Đường dẫn truy cập

Tín đồ Công giáo Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm Vatican của Thủ Tướng


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam dự trù gặp Đức giáo hoàng Benedicto 16 tại Tòa Thánh Vatican vào hôm nay thứ năm. Chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo của quốc gia cộng sản này đi gặp một lãnh tụ tinh thần của người công giáo trên toàn thế giới. Nó cũng đánh dấu một bước tiến tới trong quan hệ phức tạp của chính quyền Việt Nam với các công dân theo Thiên chúa giáo. Sau đây là bài tường thuật chi tiết của thông tín viên Matt Steinglass.

Tại nhà thờ Thánh GiuSe ở Hà Nội vào tối thứ tư, các tín đồ đang chuẩn bị cho một diễn biến được trông đợi lâu nay. Cuộc hội kiến giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đức giáo hoàng Benedicto 16 là một dấu hiệu cho thấy sự thù nghịch kéo dài giữa người Cộng sản Việt Nam và người Công giáo có thể đi đến hồi kết thúc.Tại một chủng viện ngay cạnh nhà thờ, linh mục Giu-se Nguyễn Thiện Ân ca ngợi cuộc gặp gỡ bằng thứ tiếng Pháp mà ông đã học được hơn 50 năm trước, khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp.

Linh mục Ân cho rằng đó là một dấu hiệu tốt.Tổng giám mục Nguyễn Như Thể của thành phố Huế miền trung Việt Nam gọi chuyến đi này là một chuyển biến lịch sử.

Có hơn 6 triệu tín đồ công giáo ở Việt Nam, chiếm khoảng 8 phần trăm dân số. Đạo công giáo đã đến Việt Nam cùng với các nhà truyền giáo dòng Tên vào thập niên 1660 và phát triển sau khi Pháp đô hộ Việt Nam vào năm 1862.Trong thập niên 1940, các giáo sĩ công giáo đã chống đối đảng cộng sản của ông Hồ Chí Minh tranh đấu đòi độc lập cho Việt Nam. Vào thời đó, tổng giám mục giáo phận Phát Diệm đã có quân đội riêng, và đã mở các cuộc giao tranh ác liệt chống lại bộ đội Cộng sản.Linh mục Ân nói rằng sau khi giành được độc lập cho Việt Nam năm 1954, Đảng Cộng sản đã đối xư với giáo dân với lòng nghi kỵ.

Linh mục Ân nói rằng Cộng sản Bắc Việt đã đóng cửa tất cả các chủng viện. Ông nói rằng giáo hội đã phải bí mật phong chức cho các linh mục. Khi miền bắc đánh bại miền nam năm 1975 và tái thống nhất đất nước, thì nhà nước cũng đóng cửa tất cả các chủng viện ở miền nam.Các chủng viện được phép mở cửa lại vào năm 1983, và tự do tôn giáo đã dần đà nẩy nở từ đó. Tháng 10 năm ngoái, Hoa Kỳ công bố Việt Nam không còn là một nước “đặc biệt đáng quan tâm” về vấn đề tự do tôn giáo. Trong một thông cáo hôm thứ tư, Bộ ngoại giao Việt Nam xác nhận cuộc hội kiến, nhưng từ chối không bình luận về vấn đề bang giao, và cũng không cho biết hai nhà lãnh đạo dự định thảo luận về những vấn đề nào.Tổng giám mục Nguyễn Như Thể nói rằng một số vấn đề căng thẳng vẫn còn tồn tại giữa nhà nước và giáo hội.

Giám mục giáo phận Phát Diệm Nguyễn Hồng Phúc nói rằng các hạn chế nhà nước áp dụng đối với việc tuyển mộ chủng sinh đã khiến cho nhiều nhà thờ bị bỏ trống.

Bản phúc trình của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo ở Việt Nam nói rằng nhà nước có quyền phủ quyết những ứng viên được chọn làm giám mục hay tổng giám mục. Nhưng bà Nguyễn thị Bạch Tuyết thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ nói rằng điều đó không hoàn toàn đúng.

Linh mục Ân nói rằng chính phủ không có gì phải e sợ người Công giáo.

Linh mục Ân nói rằng từ 30 năm nay, giáo hội đã không chống đối chính phủ mà chỉ yêu cầu được tự do tín ngưỡng. Ông nói rằng trong khi các tín đồ công giáo được tự do bên trong khuôn viên nhà thờ, thì họ vẫn chưa được hoàn toàn tự do bên ngoài nhà thờ.

Tín đồ công giáo Việt Nam hy vọng cuộc hội kiến giữa thủ tướng của họ với Đức giáo hoàng Benedicto 16 chứng tỏ là càng ngày họ càng được tự do hành đạo hơn.

Xin Bấm vào đường dẫn trên đây để nghe toàn bộ bài này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG