Đường dẫn truy cập

Cúm gà khiến Châu Á phải báo động


Số người chết vì bị nhiễm bệnh cúm gia cầm tại Indonesia và sự bộc phát trở lại dịch cúm gia cầm tại một số quốc gia ở Châu Á đã khiến cho toàn khu vực phải báo động. Tổ chức Y tế thế giới, gọi tắt là WHO cho hay Châu Á, Châu Phi và kể cả Châu Âu cũng cần phải chuẩn bị cho một tình huống xấu khi dịch cúm gà bộc phát trở lại.

Các giới chức Việt Nam cho hay hôm thứ hai rằng dịch cúm gia cầm đã lây lan sang tỉnh thứ bảy của miền Nam Việt Nam. Sự bộc phát cúm gia cầm đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục ngàn gia cầm ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong tháng qua.

Các giới chức về gia súc ở Thái Lan nói rằng họ vừa mới cho giết những đàn vịt ở một tỉnh ở Miền Bắc, nơi bộc phát dịch cúm gia cầm đầu tiên kể từ 6 tháng qua.

Tại Nhật bản các giới chức nông nghiệp cũng bắt đầu tiêu hủy hàng ngàn con gà tại một trại gà ở miền Bắc hôm chủ nhật sau khi những kết quả thử nghiệm cho thấy chúng bị nhiễm virus cúm gia cầm. Tại Hong Kong hôm thứ bảy tuần qua một gia cầm bị nghi ngờ có nhiễm virus H5N1 của bệnh cúm gia cầm đã chết, đây là trường hợp thứ nhì xảy ra trong vòng 2 tuần.

Cúm gia cầm cũng đã gây tử vong cho người. Đã có 4 người chết do mắc phải bệnh này ở Indonesia hồi tuần qua. Con trai và chồng của một trong số các nạn nhân đang được điều trị vì có những triệu chứng của bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên các giới chức nói rằng không có bằng chứng cho thấy có việc lây nhiễm bệnh này từ người sang người.

Ông Peter Cordingley, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực tại Manila cho biết việc bộc phát dịch cúm gia cầm mới gần đây cho thấy Châu Á cần phải cảnh giác với nạn dịch này.

Về cơ bản chúng ta sẽ thấy nạn dịch như hồi năm ngoái tái phát, và chúng ta sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu như thấy có điều gì giống năm ngoái, đó là virus đang di chuyển. Năm ngoái virus di chuyển từ Châu Á sang khu vực Trung Đông và Châu Âu, kể cả một phần của Châu Phi. Chúng ta đã thấy những trường hợp người bị mắc bệnh ở Ai Cập, những sự bộc phát dịch trong những đàn gia cầm ở miền bắc Niger. Vì vậy chúng ta sẽ dại dột nếu nghĩ rằng virus này sẽ không tác hại y như hồi năm ngoái.

Ông Cordingley thúc giục nên tiếp tục giáo dục về nguy cơ sống gần những đàn gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, đặc biệt ở Indonesia, nơi đã có trên 60 người chết vì mắc bệnh cúm gia cầm.

Nhiều quốc gia ở Châu Á đang có những biện pháp phòng chống tốt hơn năm ngoái. Ông Denis Hoffman, một chuyên gia nghiên cứu về bệnh cúm gia cầm của Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok nói rằng sự giám sát và những biện pháp ngăn chặn nạn dịch này đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Và ngay cả tại những nước chưa có xảy ra dịch bệnh này, họ cũng được giúp đỡ để chuẩn bị những kế hoạch đột xuất, theo dõi việc xuất khẩu và nhập khẩu để đảm bảo rằng đất nước họ không bị nhiễm virus thông qua việc mua bán các sản phẩm gia cầm, mà đó có thể là một trong những nguyên nhân chính của việc lây nhiễm.

Vấn đề cúm gia cầm đã được thảo luận sâu rộng tại Hội nghị ASEAN được tổ chức tại Manila. Các nhà lãnh đạo của các nước ủng hộ một lộ đồ ngăn ngừa dịch cúm gia cầm nhằm mục đích chia sẻ những biện pháp ngăn chặn bịnh này một cách hữu hiệu nhất trong khu vực.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG