Đường dẫn truy cập

Giới doanh nhân Mỹ nghĩ gì về vấn đề đầu tư vào Việt Nam?


Hồi đầu tuần, các cộng đồng doanh nhân Mỹ và Việt Nam đã triệu tập để thảo luận về triển vọng gia tăng hợp tác, trong bối cảnh Việt Nam sắp chính thức gia nhập WTO. Trong các cuộc thảo luận này, nhiều người đã không e dè cho rằng Việt Nam đang trên đường trở thành một con rồng kinh tế Châu Á.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tụ tập về Hà Nội đã không ngừng bàn thảo vấn đề này trong suốt năm qua. Giờ đây, họ được chính tai nghe Thủ Tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đề cập đến vấn đề này. Ông nói:

Thưa tất cả các bạn, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển thuận lợi trên rất nhiều mặt.

Thủ Tướng Việt Nam, một nhân vật được coi là có khuynh hướng cải cách, đã không thể đưa ra lời khẳng định ấy, chỉ một vài năm trước đây. Nhiều trở ngại ban đầu trong những năm 1990, đã cản trở không cho phép đầu tư vào Việt Nam cất cánh. Nhưng độ hơn chục năm sau khi các nhà đầu tư phương Tây kéo nhau đến Việt Nam, để rồi nhanh chóng rút ra khỏi nước này vì nạn tham nhũng tệ hại và nạn quan liêu cửa quyền theo lối Mácxít, các nhà đầu tư nước ngoài lại quay lại Việt Nam, để tìm cách khai thác một thị trường đang có nhiều thay đổi và hiện đại hóa nhanh chóng.

Tuy danh nghĩa vẫn là một nước cộng sản, nhưng với bản chất thương mại, Việt Nam đang thu hút tư bản nước ngoài ở mức độ chưa từng thấy trước đây, trong một năm có nhiều thuận lợi.

Dự kiến trong năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ vượt quá 6 tỉ 500 triệu đôla. Công ty chế tạo chip điện toán lớn nhất thế giới, Intel, đã cam kết 1 tỉ đôla để xây một hãng chế tạo chip lớn nhất thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nói chung, xuất khẩu đã tăng ở mức khoảng 24% trong năm 2006.

Quan hệ song phương với nước đối tác mậu dịch lớn nhất của Việt Nam, là Hoa Kỳ, hiện ở mức 7 tỉ 800 triệu đôla hàng năm, và đang trên đà gia tăng. Thị Trường Chứng Khoán thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh trong năm nay, hơn 70%, giúp Việt Nam trở thành một trong các thị trường chứng khoán đạt nhiều thành tích nhất Châu Á.

Ông Tom Donohue là Chủ Tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ:

Ông Donohue: Ồ, tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã trở nên táo bạo hơn về vấn đề kinh doanh. Tôi tin rằng xã hội Việt Nam đã trở nên hiện đại hơn nhiều. Họ đã hội nhập hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Tôi tin rằng họ có một cơ cấu chính phủ được tổ chức như thế nào để nhận thức được rằng mậu dịch, đầu tư và thương mại, là tương lai của đất nước họ.

Việc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới sẽ bảo đảm Việt Nam không thể đảo ngược lại hướng đi hiện nay. Theo thỏa thuận với WTO, Việt Nam phải hạ thuế quan đánh trên nhiều món hàng nhập, và cho phép các ngân hàng nước ngoài cũng như các thực thể khác thành lập chi nhánh do họ làm chủ toàn bộ tại Việt Nam. Các công ty trong nước sẽ phải cạnh tranh với một loạt công ty đa quốc.

Lẽ dĩ nhiên đã có một số công ty nước ngoài hiện diện tại Việt Nam trong nhiều năm qua, và giờ đây, các công ty này đang thu về nhiều lợi lộc. Công ty Nike đã khai thác được sự hiện diện tại Việt Nam và biến Việt Nam thành một trong các mốc xích sinh động và có năng xuất cao nhất trong hệ thống cung cấp hàng hóa toàn cầu của Nike.

Tính kiên nhẫn của công ty Nike, chuyên sản xuất giầy và các mặt hàng thể thao, rốt cuộc đã được tưởng thưởng. Ông Chris Helzer, Giám Đốc thương mại quốc tế vùng Đông Nam Á của công ty Nike đặc trách liên lạc cấp chính quyền, nhận định như sau:

Ông Helzer: Công ty Nike chúng tôi đeo đuổi đường lối tiếp cận dài hạn tại Việt Nam. Chúng tôi đến đây lập nghiệp từ năm 1995, nghĩa là có mặt tại đây đã 11 năm. Sự kiện Việt Nam hội nhập hơn nữa vào hệ thống thương mại toàn cầu, đã khiến Việt Nam trở thành một thị trường tốt để bán sản phẩm cho khách tiêu thụ, và cũng là một nơi thuận lợi để sản xuất hàng hóa cho các thị trường khác của chúng tôi trên thế giới.

Công ty Nike mướn 160 ngàn công nhân viên Việt Nam để sản xuất quần áo và hơn 50 triệu đôi giầy thể thao mỗi năm, độ 30% số lượng giầy mà công ty này sản xuất trên toàn cầu.

Theo ông Bradley LaLonde, cựu đại diện của Ngân Hàng Citibank tại Hà Nội, nói nhiều nhà đầu tư khác cũng sắp sửa kéo đến Việt Nam. Ông LaLonde, hiện nay điều hành công ty Vietnam Partners, một liên doanh với Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam, với mỗi bên 50% phần hùn. Công ty này đã phát động chiến dịch gầy vốn lớn nhất trong nội địa Việt Nam, khoảng 70 triệu đôla. Việt Partners đầu tư vào các công ty mang về nhiều lợi nhuận, cũng như các công ty cổ phần và xây dựng hệ thống hạ tầng.

Ông LaLonde trong nay mai, sẽ đưa vào hoạt động một quỹ quốc tế, theo chân nhiều quỹ khác đã thành công tại Việt Nam.

Ông LaLonde: Tôi tin rằng có một khác biệt to lớn giữa Việt Nam ngày nay với Việt Nam cách đây 12 năm. Rõ ràng GDP của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, kể từ dạo ấy. Bây giờ, Việt Nam có một nền kinh tế rộng lớn và cởi mở hơn. Việt Nam trên thực tế đã thực thi khá nhiều biện pháp cải cách. Họ đã tiến tới việc tư hữu hóa nền kinh tế. Thế cho nên, có lẽ đây là một thời điểm tốt hơn để đánh giá Việt Nam, so với 12 năm về trước.

Giới luật sư đang trở nên bận rộn hơn, giữa lúc các thân chủ của họ tỏ ra táo bạo hơn trong các cuộc dầu tư, với số vốn lên đến hàng tỉ đôla, thay vì hàng chục triệu đôla như trong những năm qua.

Ông Tony Foster là một luật sư có phần sở hữu trong văn phòng luật sư Fresfields. Ông có mặt tại Việt Nam khi đợt đầu tiên các nhà đầu tư kéo đến Việt Nam, để rồi bỏ nước này ra đi. Ông Foster nói trong khi có nhiều lý do để lạc quan, giới đầu tư cũng phải có thái độ thận trọng:

Theo kinh nghiệm của tôi thì những số tiền đầu tư hiện nay lớn hơn rất xa so với những gì tôi đã từng chứng kiến, câu hỏi được nêu ra tại đây là liệu số đầu tư to lớn ấy có thể được hấp thụ một cách thích đáng trong một đất nước tương đối còn nhỏ bé, mặc dù Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều trong 10 năm qua.

Ông Christopher Flint, Giám Đốc Thương Mại đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương của công ty Boeing của Hoa Kỳ, dự kiến có thể xảy ra một số khó khăn về hệ thống hạ tầng cơ sở, hiện đã cho thấy một số dấu hiệu bị quá tải trong lĩnh vực giao thông và vận chuyển hàng hóa đường thủy, và bên cạnh đó còn có nguy cơ có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng. Ông Flint nói:

Đường xá, điện, bến cảng, và quan trọng nhất đối với tôi, hàng không là một cơ sở hạ tầng thiết yếu để hỗ trợ các hoạt động doanh thương cũng như ngành du lịch. Hạ tầng cơ sở là một yếu tố có thể giới hạn tốc độ phát triển của các lĩnh vực vừa đề cập đến.

Bất kể những hạn chế về mặt hạ tầng, các công ty Hoa Kỳ đã thấy tiềm năng và đủ cơ hội ở Việt Nam, để thử thời vận. Đặc biệt, trong bối cảnh WTO có thể biến đổi nền kinh tế Việt Nam thành một trong những nền kinh tế có thế lực tại Đông Nam Á, các công ty đa quốc đang bắt tay vào việc, và đầu tư vào Việt Nam, như thể họ đến Việt Nam để ở lại đây trong dài hạn.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG