Đường dẫn truy cập

Hiện tượng xã hội đen cấu kết với quan chức chính phủ Trung Quốc


Bộ Công an Trung quốc cho biết hơn 10000 nhân viên cảnh sát đã bị cách chức trong 9 năm qua vì vi phạm kỷ luật. Tại cuộc họp báo hôm thứ ba vừa qua ở Bắc kinh các giới chức Bộ Công an cũng thừa nhận rằng hiện tượng “quan phỉ cấu kết” hay sự toa rập giữa cán bộ và nhân viên nhà nước với xã hội đen đã xuất hiện tại một số khu vực. Đây cũng chính là hiện tượng mà nhiều nhà quan sát tình hình Trung quốc cho rằng đã làm cho sự bất mãn của dân chúng ở nông thôn ngày càng gia tăng và đe dọa tới sự ổn định của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu:

Tại cuộc họp báo hôm thứ ba ở Bắc kinh, bộ Công An Trung quốc cho biết trong 9 năm vừa qua có 10,034 viên chức cảnh sát bị đình chỉ công tác vì vi phạm kỷ luật. Phó Cục trưởng Cục Cảnh vụ, ông Trịnh Bách Cương, còn cho biết thêm rằng một số nơi trong nước đã xuất hiện tệ nạn “quan phỉ cấu kết” hay sự toa rập giữa các quan chức của chính phủ với những phần tử thuộc xã hội đen. Tháng trước, bộ Công An Trung quốc cũng công bố các số liệu cho thấy rằng những vụ rối loạn xã hội có dính líu tới 15 người trở lên đã từ 74 ngàn vụ của năm 2004 tăng lên tới 87 ngàn vu trong năm 2005. Theo một số các nhà quan sát tình hình Trung quốc, tệ nạn quan phỉ cấu kết đang làm cho sự bất mãn của dân chúng ở nông thôn ngày càng gia tăng và đe dọa tới sự ổn định của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Ông Hạ Minh, giáo sư chính trị học của Đại học Thành phố New York, cho biết: tệ nạn quan phỉ cấu kết ở Trung quốc hiện nay vẫn còn tập trung chủ yếu ở chính quyền cấp quận và cấp huyện. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, giáo sư Hạ minh cho biết như sau:

Ở Trung quốc, những quan chức cao cấp từ cấp tỉnh trở lên cho tới cấp trung ương vì họ nắm trong tay quá nhiều nguồn lực cho nên trên cơ bản họ không cần phải cấu kết với những thế lực hắc ám để có thể tham nhũng. Ở Trung quốc hiện nay, hiện tượng xã hội đen cấu kết với quan chức chính phủ chủ yếu tập trung ở chính quyền từ cấp tỉnh trở xuống và phổ biến nhất ở các cấp quận, huyện.

Theo nhận xét của giáo sư Hạ Minh, trong quá trình cải cách kinh tế theo đường lối thị trường tự do, guồng máy nhà nước Trung quốc đã mất đi một số chức năng; và điều này cộng với tệ nạn tham nhũng đã khiến cho thế lực của xã hội đen bành trướng một cách nhanh chóng. Ông cho rằng sự can dự của những băng đảng tội phạm vào các hoạt động kinh tế đã trở nên dễ dàng hơn vì sự yếu kém trong năng lực quản lý của chính quyền, thể hiện qua những hiện tượng như nhà nước không đủ khả năng để bảo vệ quyền tài sản trí thức, chấp hành hợp đồng và giải quyết những vụ tranh chấp về nợ nần. Giáo sư Hạ Minh cho biết thêm như sau:

Phát xuất từ những sự chuyển dịch và nhượng bộ có tính chất chiến lược, trong quá trình thay đổi theo kinh tế thị trường, nhà nước Trung quốc đã liên tiếp từ bỏ nhiều chức năng trong sinh hoạt kinh tế, xã hội; và điều này làm phát sinh tình trạng quyền lực công bị yếu đi.

Ông Trương Vĩ Quốc là một học giả Trung quốc đang cư ngụ ở Mỹ và là người chủ biên một tạp chí trên mạng có tên là Tân Thế Kỷ. Ông cho biết rằng: tệ nạn quan phỉ cấu kết ở Trung quốc đã bắt đầu xuất hiện từ những năm đầu thập niên 1990 và trở nên nghiêm trọng hơn trong vài năm gần đây. Theo ông, các chính quyền địa phương đang lợi dụng tình trạng quyền hành của chính quyền trung ương bị suy yếu để gia tăng thế lực; và sự cấu kết của họ với những thành phần côn đồ để bóc lột, đàn áp dân chúng là một diễn tiến rất tự nhiên vì lịch sử phát triển của đảng Cộng sản Trung quốc cũng mang nặng tính chất côn đồ. Oâng Trương Vĩ Quốc phát biểu như sau:

Giòng máu của đảng Cộng sản Trung quốc vốn dĩ là máu có màu đen hắc ám. Vì vậy cho nên đối với họ việc xử dụng những thủ đoạn của xã hội đen dễ dàng hơn, tự nhiên hơn so với việc xử dụng những thủ tục vẫn thường áp dụng trong một xã hội dân chủ tự do.

Một nhà quan sát tình hình Trung quốc, ông Cao Tân, cho rằng tệ nạn quan phỉ cấu kết cũng từng xuất hiện trong quá trình chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ ở Đài loan trong những năm đầu của thập niên 1980. Theo ông, việc các quan chức Trung quốc thuê mướn hoặc lợi dụng các thành phần thuộc xã hội đen để đàn áp dân chúng là một diễn tiến tự nhiên sau khi họ không thể xử dụng quân đội và cảnh sát để trực tiếp đàn áp dân chúng như trước nữa.

Hệ thống Tư pháp ở Trung quốc đang đi từ chỗ không có gì hết cho tới chỗ có được chút ít, từ chỗ không hoàn thiện cho tới chỗ tương đối hoàn thiện; toàn bộ quá trình này đã quyết định là chính quyền không còn có thể trực tiếp xử dụng sức mạnh chuyên chính để trấn áp những hành vi phản kháng của dân chúng như trước.

Trong khi đó, giáo sư Joshua Muldavin, một chuyên gia về Trung quốc của đại học Sarah Lawrence ở New York, cho biết rằng những biện pháp cải cách kinh tế trong hơn hai thập niên qua ở Trung quốc đã tạo ra một tầng lớp trung lưu có tới 150 triệu người, tập trung ở các đô thị. Mặc dầu vậy, hiện vẫn còn 800 triệu người sinh sống ở nông thôn, trong số đó có tới phân nửa có thu nhập bị sút giảm; và đồng thời, mỗi năm có tới 3 triệu nông dân bị mất đất canh tác. Theo giáo sư Muldavin, vấn đề này chính là một quả bom nổ chậm ở phần đất mà ông mô tả là hai nước Trung quốc:

Có một nước Trung quốc được thế giới ngưỡng mộ, và bên cạnh đó là một nước Trung quốc bị thế giới quên lãng. Có một nước Trung quốc của các nhà đầu tư và những người nuôi mộng làm giàu, và bên cạnh đó là một nước Trung quốc của những người nghèo đói ở thôn quê. Thu nhập của dân nghèo ở thôn quê quả thật là đã gia tăng chút đỉnh trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, nhưng hiện nay đời sống của nông dân ngày càng cơ cực hơn.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho nhật báo Financial Times ở Anh, giáo sư Mao Thọ Long của Đại học Nhân dân ở Bắc kinh cũng tán đồng nhận xét của ông Muldavin. Giáo sư Mao nói rằng trình độ phát triển kinh tế ở nông thôn Trung quốc vẫn còn nằm ở tình trạng của 100 năm trước nhưng chi phí chăm sóc sức khỏe của nông dân thì lại tương đương với mức độ hiện nay của cư dân thành thị.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo hôm mồng 9 tháng 2 vừa qua ở Washington do Quĩ Hòa bình Carnegie tổ chức, giáo sư Muldavin kêu gọi các nước Tây phương lưu tâm tới vấn đề nông thôn Trung quốc, vì theo ông “chúng ta không thể dựa vào mức sống của người giàu để phán đoán về hiệu quả của công cuộc phát triển của Trung quốc.”

Ông cũng kêu gọi giới hữu trách Bắc kinh tiến hành những chính sách toàn diện để thay đổi đường hướng phát triển quốc gia, ngõ hầu thế giới khỏi phải đối diện với điều mà ông gọi là “một tương lai u ám có đầy nguy cơ bạo động và những mầm móng hủy diệt về mặt xã hội và môi trường.”

.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG