Đường dẫn truy cập

Việt Nam và việc gia nhập WTO


Các cuộc hội đàm cao cấp về mậu dịch trong tuần này tại Hà Nội đã không mang lại một thỏa thuận cho Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, nhưng các nhà thương thuyết nói rằng họ đã đạt được nhiều tiến bộ.

Hai bên sẽ lại gặp nhau vào tháng 3 để tìm cách đoan chắc là Việt Nam sẽ gia nhập tổ chức này càng sớm càng tốt. Từ Hà Nội, thông tín viên Kay Johnson của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA gửi về bài tường thuật như sau:

Nhân vật dẫn đầu phái đoàn thương thuyết của Hoa kỳ, bà Dorothy Dwoskin, nói rằng hai bên đang tiến gần hơn tới một thỏa hiệp cần có để Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Tuy nhiên, bà nói rằng hai bên cần tham khảo ý kiến với chính phủ của hai nước để thu hẹp thêm sự cách biệt giữa đôi bên.

Tôi cho rằng trong tuần này hai bên đã làm việc hết sức mình để làm giảm bớt những ý kiến khác biệt còn sót lại. Chúng tôi rất hài lòng với những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được, và tôi cho rằng các cuộc họp trong tuần này đã mang lại một sinh lực và động lực mới cho các cuộc thương thuyết.

Trước đây, các giới chức Việt Nam đã than phiền rằng các thương thuyết gia Mỹ đang ngăn chặn việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Các nước muốn tham gia tổ chức này phải được sự chấp thuận của các nước thành viên hiện hữu, và bất cứ một thành viên nào cũng có quyền bỏ phiếu phủ quyết.

Việt Nam đã hy vọng gia nhập Tổ chức thương mại thế giới tại cuộc hội nghị cấp bộ trưởng ở Hồng Kông hồi tháng trước, nhưng đã không đạt được các thỏa hiệp song phương với những nước quan trọng như Hoa Kỳ, Australia và New Zealand. Hà Nội bắt đầu tiến trình xin gia nhập tổ chức này cách đây 10 năm.

Sau 3 ngày hội đàm trong tuần này, bộ trưởng thương mại Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển, nói với các phóng viên hôm nay rằng các cuộc thương thuyết đã tỏ ra nghiêm chỉnh. Ông cho biết hai bên đã đưa ra những nhượng bộ trong các vấn đề gay go chẳng hạn như mở rộng khu vực bảo hiểm, ngân hàng và viễn thông của Việt Nam, cùng là mở rộng thị trường Mỹ cho các nông phẩm của Việt Nam.

Tổ chức giảm nghèo toàn cầu Oxfam đã tố cáo Hoa Kỳ và các nước khác là bắt chẹt những nước muốn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Oxfam nói rằng những nhượng bộ của các nước muốn gia nhập hiện giờ lớn lao hơn là những nhuượng bộ cách đây 5 năm. Oxfam nói rằng những đòi hỏi phụ trội để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới giờ đây bao gồm cả những cam kết thêm về quyền sở hữu tài sản trí thức và buộc các nước thành viên mới phải từ bỏ ngay việc trợ cấp cho nông sản của họ.

Tuy nhiên, bà Dwoskin đã bác bỏ bất cứ ý kiến nào cho rằng Việt Nam sẽ gặp phải những điều kiện gắt gao hơn các nước thành viên trước đây của Tổ chức thương mại thế giới. Bà nói:

Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng chúng tôi đang thảo luận về những đòi hỏi phụ trội. Chúng tôi đang cố gắng làm việc để giúp Việt Nam thương thuyết việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Tuần trước, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Christopher Hill đã binh vực cho chính sách mậu dịch cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Ông nói rằng các công ty Mỹ phải được quyền cạnh tranh trên một căn bản công bằng.

Ông Hill cũng nêu lên rằng Việt Nam tuy còn là một nước nghèo nhưng đã thấy số hàng xuất khẩu của họ sang Hoa kỳ tăng gần gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2001 trong khi Việt Nam nhập khẩu rất ít hàng hoá của Mỹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG