Đường dẫn truy cập

Dân chúng nam bộ Thái Lan bị kẹt giữa các cuộc tấn công của các phần tử nổi loạn và cuộc đàn áp khắc nghiệt của quân đội chính phủ


Hôm thứ tư vừa qua, nhân kỷ niệm 2 năm ngày xảy ra vụ tấn công ở tỉnh Narathiwat khơi mào cho tình trạng rối loạn ở các tỉnh miền nam Thái lan, Hội ân xá quốc tế đã công bố một bản phúc trình về tình hình nhân quyền trong vùng. Theo tổ chức nhân quyền nổi tiếng thế giới này, chính phủ Bangkok đã có những hành vi bắt người bừa bãi, tra tấn, và xử dụng sức mạnh quá độ trong hai năm qua khi họ tìm cách trấn áp cuộc nổi dậy mà họ cho là của những người Hồi giáo đòi ly khai. Một số chi tiết về việc này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây:

Trong bản phúc trình công bố hôm thứ tư vừa qua, nhân kỷ niệm 2 năm ngày xảy ra vụ tấn công khơi mào cho cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở miền Nam Thái lan, Hội ân xá quốc tế cho rằng: thường dân trong vùng này đang lâm vào cảnh trên đe dưới búa hay một cổ hai tròng - một bên là những vụ bạo động của các nhóm Hồi giáo vũ trang, và bên kia là những biện pháp không thỏa đáng của chính phủ và nạn xử dụng sức mạnh quá độ của các lực lượng an ninh. Đồng thời với việc yêu cầu tất cả các nhóm vũ trang ngưng ngay những vụ tấn công bừa bãi nhắm vào thường dân, Hội ân xá quốc tế cũng kêu gọi giới hữu trách Thái lan thực thi công lý và ngăn chận những hành vi vi phạm nhân quyền.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho phóng viên Scott Bobb của đài VOA, ông Boonthan Verawongse, giám đốc bộ phận Thái lan của Hội ân xá quốc tế, cho biết rằng: trong hai năm qua có hàng trăm vụ tấn công ở 3 tỉnh miền nam mà hầu hết những thủ phạm không bị trừng trị. Ông nói thêm rằng: tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn vì một đạo luật khẩn cấp, dành cho nhân viên an ninh quyền được miễn bị truy tố về các hành vi vi phạm nhân quyền.

Một trong những vấn đề khó khăn lớn có liên quan đến tình trạng phạm tội mà không bị trừng trị. Đây là nội dung chính của nghị định khẩn cấp mà chính phủ ban bố hồi tháng 7 năm ngoái. Và đây chính là một trong những nguyên do làm phát sinh những hành vi vi phạm nhân quyền.

Theo ông Boonthan, những vụ vi phạm nhân quyền như thế khiến cho dân chúng ở miền Nam Thái lan mất tin tưởng vào chính phủ trung ương. Oâng kêu gọi giới lãnh đạo Bangkok thực thi công lý để vãn hồi hòa bình:

Chúng ta phải ra sức thực thi công lý nếu chúng ta muốn có hòa bình. Nếu chính phủ thật tâm muốn xây dựng hòa bình thì họ cần phải thực thi công lý để giải quyết vụ xung đột này.

3 tỉnh Pattani, Yala, và Narathiwat cùng với một phần của tỉnh Songkhla vốn là một tiểu vương quốc độc lập của người Mã Lai có tên là Tiểu vương quốc Hồi giáo Pattani và đã được sáp nhập vào vương quốc Thái lan hồi đầu thế kỷ 20. Khoảng 80% cư dân trong vùng này là người theo đạo Hồi trong lúc đại đa số cư dân ở những vùng còn lại của Thái lan là tín đồ Phật giáo. Một cuộc nổi dậy đòi độc lập đã diễn ra trong những năm của thập niên 1970 và 1980, nhưng xung đột đã được giải quyết trong thập niên 1990 với một lệnh ân xá của chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng bạo động lại bộc phát hồi đầu năm 2004 với một vụ tấn công nhắm vào một doanh trại quân đội ở tỉnh Narathiwat.

Theo phúc trình của Hội ân xá quốc tế, từ đó đến nay có hơn 1000 người trong vùng này đã thiệt mạng vì những vụ bạo động. Tuy nhiên, không giống như cuộc nổi dậy trước đây ở Thái lan hay như những phong trào khởi nghĩa ở nhiều nơi khác, những nhóm vũ trang hiện nay ở miền nam Thái lan không hề xưng danh, không đưa ra những đòi hỏi chính trị, mà cũng không hề có ý định tiến hành thương thảo với chính phủ. Bên cạnh đó, họ cũng không chiếm cứ hay giành quyền kiểm soát bất cứ phần đất nào. Và thay vì giới hạn vào những mục tiêu như trụ sở hoặc nhân viên chính phủ, các nhóm này tấn công cả thường dân, kể cả những người Hồi giáo mà họ cho là hợp tác với chính phủ. Những nhóm vũ trang này thường để lại truyền đơn nói rằng họ sẽ tiếp tục tấn công cho tới khi nào chính phủ ngưng bắt bớ và giết hại người vô tội. Một tờ truyền đơn để lại bên cạnh xác của một người đàn ông theo đạo Phật bị chặt đầu hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái viết rằng: “Nếu chúng bay tiếp tục giết người vô tội thì chúng tao sẽ tiếp tục giết người vô tội của chúng bay.” Hôm thứ 7 vừa qua, hai cảnh sát viên Thái lan ở một ngôi chợ gần vùng biên giới Malaysia đã bị bắn chết. Một mẫu giấy của hung thủ để lại ở hiện trường nói rằng đây là vụ trả thù cho điều mà họ gọi là những vụ ‘cảnh sát bắt giam người vô tội.’

Theo nhận định của Hội ân xá quốc tế, giới hữu trách Thái lan đã chà đạp nhân quyền trong lúc đối phó với vụ rối loạn này. Ngoài việc bắt người bừa bãi, tra tấn, và xử dụng sức mạnh quá độ, chính quyền Thái lan còn không điều tra kỹ lưỡng những vụ tấn công nhắm vào cả người Hồi giáo lẫn Phật giáo. Nhiều thanh niên Hồi giáo bị nhà chức trách ghi tên vào sổ đen mà không cho biết lý do. Những người bị bắt thường không được tiếp xúc với luật sư hoặc với gia đình. Có nhiều người bị mất tích, nhưng khi các tổ chức nhân quyền điều tra về những vụ này thì họ lại nhận được những lời đe dọa gây nguy hiểm tới tính mạng hoặc những hình thức hăm dọa khác.

Chính phủ Thái lan nói rằng họ tuyệt đối tôn trọng pháp luật trong lúc ra sức giải quyết vụ xung đột này và bác bỏ tố cáo cho rằng các lực lượng an ninh đã xử dụng sức mạnh quá đáng. Tuy nhiên, hồi cuối năm ngoái, thủ tướng Thaksin Shinawatt cho biết: chính phủ ông sẽ tìm cách giải quyết nạn thất nghiệp và tăng cường các dịch vụ xã hội trong vùng này. Nhà lãnh đạo Thái lan tuyên bố như sau:

Chúng tôi sẽ dành hầu hết nỗ lực cho việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và cho công tác phát triển song song với những nỗ lực nhằm cải thiện công tác giáo dục và mang lại công ăn việc làm cho đại đa số dân chúng trong vùng.

Tin tức báo chí Thái lan hôm thứ 7 cho biết tướng Prem Tinsulanonda, chủ tịch Hội đồng Cơ mật viện, đang chuẩn bị công bố một sách lược mới nhằm vãn hồi hòa bình cho các tỉnh miền nam. Cùng hợp tác với tướng Prem trong kế hoạch này có tướng Chavalit Yongchaiyudh, cựu thủ tướng và là người hiện đứng đầu kế hoạch giảm nghèo của chính phủ kiêm tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Nội an.

Theo tường thuật của tờ Bangkok Post, một số các nhà phân tích tình hình ở Thái lan nói rằng: diễn tiến này có được sự đón nhận khá tích cực từ các nhà lãnh đạo Hồi giáo và dân chúng ở miền nam vì cựu thủ tướng Prem được xem là người đã có công lớn trong việc dẹp tan cuộc nổi dậy của các phần tử Cộng sản. Chính phủ của ông Prem đã ban bố một nghị định, đề ra chính sách ưu tiên áp dụng các biện pháp chính trị để kết liễu mối đe dọa của Cộng sản trong thập niên 1980. Theo nghị định này, những người từng tham gia phong trào nổi dậy của Cộng sản được ân xá và được giúp đỡ để trở về với cuộc sống bình thường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG