Đường dẫn truy cập

Sơ kết một năm sinh hoạt văn học nghệ thuật hải ngoại


SƠ KẾT MỘT NĂM SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HẢI NGOẠI.

Nhìn chung, năm 2005 vừa qua là một năm “mất mùa” của sinh hoạt văn học nghệ thuật hải ngoại, cả về hai phương diện: phẩm và lượng.

So sánh với năm 2004, tuy văn học, nghệ thuật hải ngoại không ghi điểm, không “làm bàn” về phương diện phẩm; nhưng chí ít, cũng phồn thịnh hơn năm 2005 về phương diện lượng, với số đầu sách xuất bản, cũng như các ca khúc mới và, những buổi trình diễn lớn.

Đi vào chi tiết, cánh cửa văn học của năm 2005 khép lại với sự ra đi vĩnh viễn của nhà văn Huy Quang / Vũ Đức Vinh, một cây bút có chiều dài sinh hoạt văn chương từ những năm đầu thập niên 1950 ở Hà Nội, qua tới 20 năm miền nam Việt nam và, 30 năm tỵ nạn, hải ngoại.

Trước nhà văn Huy Quang / Vũ Đức Vinh, là sự từ trần của nhà văn Nguyễn Sĩ Tế, rồi tới nhà báo Phạm Huấn. Cả hai nhân vật vừa kể, đều trải qua một thời gian dài lâu, chống trả quyết liệt với những căn bệnh nan y.

Xa hơn, là sự vĩnh biệt văn giới của cây bút có sức sáng tác dồi dào, nhà thơ Trần Thúc Vũ; cùng một số tên tuổi khác.

Cũng ít ngày, trước khi cánh cửa năm 2005 không bao giờ còn mở lại, thì, bài viết của nhà văn Nguyễn Thụy Long, ở Saigòn, trả lời những câu hỏi của nhà văn Hoàng Hải Thủy, ở Thủ Đô Washington, liên quan tới một vài bản tin, bài báo mà, nhà văn Nguyễn Thụy Long viết sau thời điểm tháng 4 –1975; đã tạo thành một trận bão lớn; với những lời lẽ cực kỳ nặng nề, gay gắt... Sự việc này, đã chẻ đôi dư luận độc giả hải ngoại.

Nhưng dù trận bão ở cấp độ nào thì, ảnh hưởng của nó cũng không ra khỏi chu vi giới hạn của một...tách trà.

Riêng những người bàng quan thì, lấy làm tiếc cho tình bạn keo sơn giữa hai nhà văn nổi tiếng từ trước tháng 4 năm 1975 tại Saigòn, này.

Năm 2005 cũng khép lại với những đám khói mù còn quanh quất đâu đó, bốc lên từ vụ sang nhượng bất thành giữa ban quản trị công ty nhật báo San Jose Mercury News, ở miền bắc tiểu bang California, chủ nhân tuần báo Việt Mercury và ông Jimmy Nguyễn, đại diện nhóm người Việt muốn mua lại tuần báo Việt Mercury. Sự sang nhượng, mua bán bất cứ một cơ sở thương mại nào, dù lớn hay bé, hiếm khi thành đề tài tranh luận, nếu không có dư luận xì xầm về nguồn gốc vốn đầu tư.

Cuối cùng, với một tin rất ngắn, công ty mẹ của tuần báo Việt Mercury cho hay, việc sang nhượng bất thành. Đó là quyết định chung cuộc số phận của tuần báo Việt Mercury sau nhiều năm phục vụ cộng đồng người Việt ở miền bắc California.

Tuy nhiên, ông Jimmy Nguyễn vẫn quyết định đi tới với một tuần báo trên mạng (web-site) trước khi xuất bản tuần báo đó, trên giấy. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nguyên tổng thư ký của Việt Mercury, được giao phó công việc tổ chức bài vở và, biên tập.

Bước vào tiệm sách (ngày càng co cụm tại hải ngoại,) ghi nhận đầu tiên, dễ thấy nhất là, số lượng thi phẩm xuất bản trong năm 2005 giảm nhiều so với năm 2004. Giảm thiẻu này, cũng xẩy đến cho thể loại hồi ký, truyện ngắn và, truyện dài.

Cũng như những năm trước, người ta không thấy một tác phẩm nào có khả năng bước khỏi kệ sách, ra đường phố, để thẩm nhập vào gia đình những người Việt yêu sách ở hải ngoại. Nói cách khác, thị trường sách hải ngoại vẫn không có một sáng tác mang tính địa chấn.

Các tác giả như Song Thao, ở Canada, Nguyễn Nam An, ở California (với khuynh hướng trào lộng hay tự lố bịch hóa mình,) và nhà văn Nguyễn Linh Quang, ở Pháp (với bút pháp mới mẻ,) trong một chừng mực nào đó, đã gây được chú ý ít, nhiều nơi người đọc.
.
Về lãnh vực nghệ thuật, điểm nổi bật nhất trong năm 2005 vừa qua là, bộ môn nhiếp ảnh. Bộ môn này, vẫn cho thấy tiềm năng lớn mạnh, phổ cập với những cuộc triển lãm liên tiếp của các hội ảnh nghệ thuật.

Hai nhiếp ảnh gia hải ngoại đoạt nhiều giải thưởng lớn trong năm 2005 là, bà Vy Vy Trần và, ông Nguyễn Kỳ.

Bộ môn hội họa cũng cho thấy khả năng vượt khỏi địa bàn hoạt động quen thuộc, miền nam California, để rực rỡ mầu sắc ở các nơi khác, như Houston, Virginia và, New York. Tuy nhiên, các cuộc triển lãm riêng từng cá nhân, hay chung nhiều họa sĩ, đã không gây được tiếng vang rộng; ngoại trừ cuộc triển lãm cách đây ít tháng, của họa sĩ Hồ Thành Đức, ở quận hạt Orange County.

Một ghi nhận chung khác, cũng đáng kể; đó là sự không còn phân chia giữa ca sĩ hải ngoại và ca sĩ quốc nội. Kể cả những người từng khẳng định sẽ không hát chung một sân khấu với ca sĩ từ trong nước đi ra, cũng đã “thoải mái” bẵng quên sự “lớn tiếng,” trước đó, của họ.

Mặt khác, ca sĩ quốc nội cũng không còn có được cho họ cái từ trường mạnh mẽ của những khối nam châm có sức hút lớn. Sự phân chia hay hố cách biệt đang được san bằng, để trở thành bình thường, quen thuộc - - Trừ những buổi trình diễn rình rang của các đoàn văn công, đi ra từ trong nước.

Trong năm 2005, một số người đã đề cập tới nỗ lực xuất hiện nhiều nơi chốn, với nhiều kích thước khác nhau của nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ Diệu Hương. Như trước đây, năm vừa qua, nữ nhạc sĩ Diệu Hương đã tự thực hiện một album, giới thiệu những sáng tác mới của cô.

Hai nhạc sĩ tên tuổi khác, tuy mỗi người một hoàn cảnh, một cung cách ứng xử, nhưng cùng gây xôn xao dư luận. Đó là sự kiện nhạc sĩ lão thành Phạm Duy được chính quyền Cộng sản Việt Nam, chấp thuận đơn xin về ở hẳn Việt Nam và, những lời tuyên bố...bất ngờ của ông.

Riêng nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo rời bỏ California, về Việt Nam, xuống tóc, xuất gia với Thiền sư Thích Thanh Từ, tại Trúc Lâm Thiền Viện, ở Đà Lạt, trong những ngày đầu tháng 12, mới đây.

Trước sự kiện này, nhật báo Việt Báo, ở quận hạt Orange County ghi nhận rằng: “California tuy mất đi một nghệ sĩ tài hoa, nhưng Thiền Tông Việt Nam ở quê nhà lại đang có thêm một người gánh vác mới.”

Vẫn theo nhật báo này thì, ngoài tư cách nhạc sĩ, Hoàng Quốc Bảo còn là người ở lâu năm trong nghề phát thanh. Ông cũng có thời gian làm thơ, làm báo. Nhạc của ông được nhiều người biết tới từ trước tháng 4 năm 1975, tại quê nhà. Ông đã sáng tác trên dưới một trăm ca khúc.

Những ca khúc của Hoàng Quốc Bảo, được nhiều người biết tới nhất, có thể kể như “Tịnh tâm khúc,” “Người về như bụi,” ...

Về bộ môn điện ảnh thì, phim “Vượt thoát” của đạo diễn Hàm Trần và, “Buổi sáng đầu tiên” của Victor Vũ, được nhắc nhở nhiều nhất.

Trong khi ngôi thứ của thị trường sản xuất băng nhạc, vẫn không thay đổi với hai “đại gia” Trung tâm Thúy Nga và Asia. Hai trung tâm này bỏ trung tâm đứng hàng thứ ba một quãng cách khá xa. Cũng vì thế mà, người ta khó có thể đồng ý với nhau, trung tâm băng nhạc nào, thực sự ở ngôi vị kế tiếp, sau hai trung tâm vừa kể.

Về truyền hình, hệ thống SBTN, phát hình 24/24 giờ mỗi ngày, đã bước vào năm thứ năm, vẫn chưa có đối thủ. Mặc dù, báo chí đã đề cập tới sự ra dời của đài truyền hình Việt Nam Hải Ngoại, do Quốc Thái và bạn hữu chủ trương; sẽ phát hình 24 / 24 và, cũng qua cơ sở trung gian Direct TV. Nhưng trung tuần tháng 1 tới đây, đài truyền hình Việt Nam Hải Ngoại mới chính thức đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, giới làm truyền thông cũng đề cập tới sự kiện, tương lai, nhiều phần cộng đồng Việt tỵ nạn hải ngoại, sẽ có thêm đài truyền hình thứ ba; phát hình 24/24. Trụ sở chính của đài truyền hình này, sẽ đặt tại thành phố San Jose, miền bắc tiểu bang California.

Trước khi chấm dứt phần sinh hoạt nghệ thuật năm 2005, sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không nhắc tới sự ra đi cùng ngày: Ngày 23 tháng 12 vừa qua, của hai nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Hiền và, Nguyễn Đình Nghĩa.

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền với nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Người em nhỏ,” thơ Thiệu Giang; (sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, khi ông mới 18 tuổi.)

Sau đó, những ca khúc như “Anh cho em mùa xuân,” thơ Kim Tuấn, “Hoa bướm ngày xưa,” “Mái tóc dạ hương” thơ Đinh Hùng; “Tìm đâu,” “Giã từ thơ ngây,” “Ngàn năm mây bay,” vân vân...của Nguyễn Hiền cũng là những ca khúc chịu được sự đãi lọc của thời gian.

Về nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thì, ông được ghi nhận là người Việt Nam nổi tiếng thế giới với tiếng sáo của mình, qua bài “Phụng vũ” (do ông sưu tầm và ký âm.)

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa cũng là người có công cải biến chiếc đàn T’rưng của nền nhạc cổ truyền tây nguyên, từ 16 giây trở thành 28 giây, để có thể trình tấu được mọi thể loại âm nhạc tây phương hiện đại.

Giống như sự từ trần của nhạc sĩ Nhật Trường / Trần Thiện Thanh cách đây không lâu, sự vĩnh biệt thế giới âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền và, Nguyễn Đình Nghĩa là những mất mát không có thay thế.

“Mỗi nghệ sĩ từ trần, là một biến mất vĩnh viễn khỏi giải ngân hà, của một vì sao. Do đó, nó cũng là sự mất mát của đám đông vậy...” Một nhà thơ ở quận hạt Orange County đã nói, như thế.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG