Đường dẫn truy cập

Rangoon mở lại đại hội soạn thảo hiến pháp


Chính quyền quân nhân ở Rangoon đang chuẩn bị mở lại đại hội soạn thảo hiến pháp mà họ cho là bước đầu để đưa Miến điện tiến tới một hệ thống chính trị được gọi là dân chủ có kỷ luật. Các nhóm đối lập chính ở Miến điện tiếp tục tẩy chay hội nghị mà họ xem là một trò hề do các tướng lãnh cầm quyền giàn dựng này. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết về diễn tiến vừa kể trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Hôm thứ năm vừa qua, chính quyền quân nhân Miến điện đã giải trình với các vị đại sứ và phái bộ ngoại giao nước ngoài ở Rangoon về phiên họp của Đại hội Toàn quốc soạn thảo hiến pháp sắp được mở lại vào ngày thứ hai, mồng 5 tháng 12. Theo tường thuật của nhật báo Irawaddy của những người Miến điện lưu vong tại Thái lan, người thuyết trình là ông Aung Toe, chánh án Tối cao Pháp viện kiêm phó chủ tịch Ủy ban Triệu tập Đại hội Toàn quốc. Ông Aung Toe cho biết: hội nghị này sẽ thảo luận về một vấn đề gai góc là quân đội sẽ đóng một vai trò như thế nào trong chính phủ sau này. Ngoài ra, hơn 1000 người đại diện cho các sắc tộc thiểu số, các nhóm từng nổi dậy chống chính phủ, cùng với các tổ chức và đoàn thể xã hội cũng sẽ bàn về cơ cấu của hệ thống nghị viện tương lai.

Đại hội này đã khai mạc hồi đầu năm nay và kéo dài vài tháng trước khi quyết định tạm ngưng. Người chủ tọa phiên họp lần trước là tướng Thein Shein, một thành viên cao cấp trong hội đồng quân nhân cầm quyền.

Theo lời tướng Thein Shein, chính phủ ông muốn thiết lập một chế độ gọi là dân chủ có kỷ luật, một chế độ mà ông cho là sẽ tránh được tệ nạn khủng bố và tình trạng vô chính phủ vẫn thường xuất hiện tại một số quốc gia dân chủ.

Đảng đối lập lớn nhất ở Miến điện, Liên minh Toàn quốc Tranh đấu cho Dân chủ, tiếp tục tẩy chay Đại hội Toàn quốc vì lãnh tụ của họ, bà Aung San Suu Kyi, và người làm phó cho bà là ông Tin Oo vẫn còn bị giam lỏng. Một nhân vật lãnh đạo của một số các đảng viên Liên minh Dân chủ đang sống lưu vong, bà San San, nói rằng đại hội này là bất hợp pháp. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho phái viên Scott Bobb của đài VOA ở Bangkok, bà San San tuyên bố như sau:

Đây là một đại hội toàn quốc bất hợp pháp - không hề có tính chất hợp pháp. Lý do là vì đại hội này được triệu tập bởi một chính phủ không phải là một chính phủ được bầu lên một cách hợp pháp mà chỉ là một chính quyền trên thực tế. Ngoài ra, những người tham dự đại hội cũng chẳng phải là do dân chúng bầu ra mà là do hội đồng quân nhân cầm quyền tự tay tuyển lựa.

Đại hội soạn thảo hiến pháp Miến điện được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1993, ba năm sau khi chính quyền quân nhân không chịu thừa nhận kết quả cuộc bầu cử mà Liên minh Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn. Tiến trình soạn thảo hiến pháp đã bị ngưng cho tới đầu năm nay sau khi Liên minh Toàn quốc quyết định tẩy chay vì họ cho rằng các tướng lãnh cầm quyền không thật tâm thực hiện hòa giải dân tộc và thực thi dân chủ.

Giới lãnh đạo Rangoon cho rằng chế độ dân chủ có kỷ luật mà họ muốn thiết lập cần phải dành cho quân đội một vai trò quan trọng; và trong các phiên họp lần trước, hội đồng quân nhân cầm quyền đã đưa ra một đòi hỏi là hiến pháp phải bao gồm một điều khoản để cho phe quân đội được dành riêng ít nhất 25% số ghế tại quốc hội. Ngoài ra, họ cũng đòi tước bỏ quyền ứng cử vào quốc hội của những ai có vợ hoặc chồng là người sinh đẻ ở nước ngoài hoặc những ai đã sinh sống ở ngoại quốc trong 25 năm qua. Các nhà quan sát cho rằng đòi hỏi này rõ ràng là để loại bỏ quyền tham chính của bà Aung San Suu Kyi và những chính khách đối lập đang sống lưu vong.

Giáo sư Panitan Wattanayagorn, một chuyên gia về Miến điện của Đại học Chualongkorn ở Bangkok, cho biết rằng không mấy ai đặt nhiều kỳ vọng vào đại hội toàn quốc này. Ông nói thêm như sau:

Chính quyền quân nhân đang tìm cách câu giờ vì họ biết rất rõ là áp lực đòi họ thực thi cải cách dân chủ, và đặc biệt là đòi họ trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, đang ngày gia tăng.

Nhiều quốc gia Tây phương, do Hoa kỳ và Liên hiệp Âu châu dẫn đầu, đã áp đặt các biện pháp chế tài để đòi hỏi chính quyền Miến điện tôn trọng nhân quyền và thực thi dân chủ. Nhưng đường lối này đã gặp phải sự chống đối của Trung quốc và các nước thành viên Asean. Mặc dầu vậy, theo nhận xét của giáo sư Panitan, áp lực đòi những chính phủ của các nước Á châu có thái độ cứng rắn hơn đối với Miến điện đang ngày càng gia tăng.

Những nước ủng hộ chính phủ Miến điện, kể cả Asean và có thể là cả Trung quốc, đã bắt đầu mất kiên nhẫn. Họ muốn thấy Miến điện đạt được một số tiến bộ cụ thể. Và chắc quí vị cũng biết là sự sống còn của kinh tế Miến điện hiện nay tùy thuộc khá nhiều vào sự ủng hộ của những nước này, đặc biệt là của Trung quốc.

Áp lực đối với các nước Á châu chẳng những đến từ các quốc gia Tây phương mà còn phát xuất từ những chính khách trong nước. Hôm thứ bảy vừa qua, sau hai ngày họp tại Kuala Lumpur bàn về vấn đề Miến điện, một nhóm các nhà lập pháp vùng Đông Nam Á đã lên án thành tích nhân quyền của chính quyền Rangoon. Các đại biểu quốc hội của Malaysia, Kăm Pu Chia, Indonesia, Philipin, Singapore và Thái lan đã đưa ra một thông cáo chung chỉ trích việc Miến điện không chịu thực thi những biện pháp cải cách dân chủ có ý nghĩa.

Các đại biểu này yêu cầu giới hữu trách Rangoon trả tự do ngay cho tất cả các tù nhân chính trị, kể cả lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Họ cũng yêu cầu Asean không để cho Miến điện giữ chức chủ tịch luân phiên của hiệp hội này cho tới khi nào Miến điện có được những cải cách dân chủ thật sự.

Thông cáo của các đại biểu quốc hội vùng Đông Nam Á đã được công bố hầu như cùng một lúc với một phiên họp kín của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc tại New York. Trong cuộc họp này, toàn bộ 15 nước thành viên đã quyết định yêu cầu Ban Thư ký của Liên hiệp quốc giải trình về điều mà chính phủ Mỹ gọi là ‘tình hình ngày càng xuống cấp’ ở Miến điện.

Đại sứ Hoa kỳ tại Liên hiệp quốc, ông John Bolton, đã tỏ ý phấn khởi trước quyết định mà ông gọi là đặc biệt quan trọng này.

Một nỗ lực tương tự, do Washington chủ xướng, đã gặp phải thất bại hồi đầu năm nay vì có sự chống đối của một số thành viên Hội đồng bảo an, đặc biệt là của Nga và Trung quốc.

Tuy tỏ ý hài lòng trước thành quả đạt được hôm thứ sáu, Đại sứ Bolton cũng nhấn mạnh tới sự kiện là cuộc giải trình không chính thức về Miến điện không có nghĩa là quốc gia này bị đưa vào nghị trình làm việc của Hội đồng bảo an như một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngày giờ của cuộc giải trình hiện chưa được ấn định và cũng chưa rõ là Tổng thư ký Kofi Annan có đích thân thuyết trình trước Hội đồng bảo an như yêu cầu của Hoa kỳ hay không. Tuy nhiên, trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm thứ sáu, ông Annan nói rằng ‘Nếu Hội đồng bảo an yêu cầu được giải trình về tình hình Miến điện, tôi sẽ sắp xếp để có một cuộc giải trình như vậy.’ Theo một số nhà quan sát, tuyên bố đó cho thấy là nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc sẽ giao nhiệm vụ này cho một viên phụ tá của ông.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG