Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn bà Barbara Piscitelli, chuyên gia về giáo dục sư phạm mẫu giáo, hiện đang cộng tác với mạng lưới các trường sư phạm mẫu giáo ở Nha Trang và TPHCM


Trong Câu Chuyện Phụ Nữ kỳ này, mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn tiến sĩ Barbara Piscitelli, chuyên gia về giáo dục sư phạm mẫu giáo, hiện đang được mời cộng tác với mạng lưới các trường sư phạm mẫu giáo ở Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Barbara Piscitelli, người Mỹ, chuyên về ngành sư phạm mẫu giáo, đã từng làm việc tại các trường đại học ở Australia. Tuy đã về hưu, bà vẫn làm công tác tham vấn và vừa được mời đến Việt Nam để thuyết trình về vấn đề cải tổ giáo trình sư phạm mẫu giáo.

Qua đường dây điện thoại viễn liên từ Nha Trang, tiến sĩ Piscitelli cho biết đây là chuyến đi thứ 9 của bà đến Việt Nam. Trong chuyến đi đầu tiên của bà vào năm 1991, với tư cách là khách mời của Ủy ban Đối ngoại Hoa Kỳ, bà đã gặp một số giới chức của bộ Thông Tin Văn Hóa và họ đã mời bà tham gia một dự án văn hóa ngoại giao, trao đổi các tranh vẽ của thiếu nhi Việt-Mỹ. Trong thời gian thực hiện dự án này, bà đã gặp rất nhiều người trong giới giáo dục trẻ thơ và họ đã mời bà trở lại Việt Nam vì họ rất muốn nói chuyện với người tây phương về vấn đề cải cách chương trình giáo dục trẻ thơ, cũng như cải cách ngành sư phạm mẫu giáo. Vì thế mà từ 1991 đến nay bà đã đến Việt Nam nhiều lần.

VOA: Vậy bà có thể giúp gì trong vấn đề cải cách giáo dục đó?

“Rất nhiều người ở Việt Nam muốn được có khái niệm tổng quát trên toàn cầu, nhất là những người trong giới giáo dục trẻ thơ, với thu nhập rất thấp, họ không thể đi ra nước ngoài; họ cũng không có đủ vốn ngoại ngữ để đọc hiểu những sách giáo khoa, nên phải nhờ chủ yếu vào việc trao đổi ý kiến. Tôi nghĩ rằng đến đây và tìm hiểu các vấn đề sẽ góp phần giúp họ trong việc cải cách chương trình sư phạm mẫu giáo. Ngay lúc này, hơn tất cả những lần trước đến Việt Nam, tôi nhận thấy có một động lực cực kỳ to lớn cho việc cải cách giáo dục mẫu giáo, trong đó thầy cô giáo tiếp xúc nhiều hơn với trẻ em trên cơ sở bình đẳng. Trước đây, giáo viên có rất nhiều quyền hạn đối với trẻ em, vào họ được lệnh theo một giáo trình nhất định. Nhưng ngày nay, với nền kinh tế thị trường đang vận hành tốt đẹp, người ta muốn trẻ em tự học nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng, điều tôi mang lại là khả năng chỉ dẫn cho mọi người có quan hệ bình đẳng hơn với trẻ em và cách thức thay đổi hình thức tổ chức lớp học đã có từ trước đến nay.

VOA: Qua công việc của bà và những lần đi công tác tại Việt Nam, bà nhận thấy tình trạng giáo dục ở Việt Nam ra sao, nhất là trong phạm vi chuyên môn của bà?

“Tôi nghĩ rằng phong trào mẫu giáo ở Việt Nam có một quá trình lâu dài, và đã có rất nhiều người đi tiên phong trong các chương trình giáo dục trẻ thơ có chất lượng cao. Trên mặt quốc tế, tôi nghĩ có thể xếp Việt Nam vào hạng thuộc nửa thấp hơn trung bình. Nhưng tôi cho rằng đang có những chuyển biến, qua sự đầu tư của nhiều nước như Hoa Kỳ, Australia, Nam Hàn và Đài Loan trong việc xây dựng những cơ sở và chương trình mớ, một số có tầm cỡ quốc tế, tỷ như ở Nha Trang, trường đại học có một chương trình mẫu giáo thử nghiệm.”

Tuy nhiên, theo bà Barbara Piscitelli thì giáo viên ở Việt Nam được trả lương quá thấp và phải làm việc rất nhiều giờ, nhất là giáo viên mẫu giáo, đa số là phụ nữ, họ sống trong những điều kiện rất khó khăn theo tiêu chuẩn của bà. Họ phải làm việc mỗi ngày 10 tiếng, không phải dành tất cả cho việc dậy dỗ trẻ em, mà còn phải làm những công việc liên quan như giữ sổ sách, bàn ghế và chuẩn bị giáo trình. Chưa kể là trước đây, họ còn phải chịu sự kiểm soát khắt khe của cấp trên. Gần đây, bộ giáo dục đã công bố những hướng dẫn thay vì các mệnh lệnh phải thực thi, giúp giáo viên cảm thấy được tự do hơn. Các giáo viên rất phấn khởi và họ đã tìm các thực hiện nhiều thay đổi đáng kể trong cách dậy dỗ trẻ em, tổ chức lớp học, thời khóa biểu và môi trường làm việc.

VOA: Bà có nhận định ra sao về vai trò của phụ nữ trong nền giáo dục trẻ thơ ở Việt Nam?

“Ước gì tôi có thể nói rằng họ là những người được coi trọng nhất trong nước, nhưng tôi không tin có chuyện đó. Họ thường bị coi như chỉ là những người làm việc với các em nhỏ, và đó là tình trạng ở nhiều nơi trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam.”

VOA: Bà có nhận xét gì đặc biệt riêng qua chuyến đi Việt Nam lần này?

“Trong chuyến đi kỳ này, tôi đã nhận thấy rất rõ rằng những người trong ngành giáo dục sư phạm mẫu giáo, những người quyết định chính sách trong lãnh vực này, ở cấp bộ, cũng như các cấp quận huyện, có ý muốn thay đổi. Chưa bao giờ ý muốn đó được thể hiện rõ hơn. Và tôi cũng nhận thấy họ có thể trông đợi các chuyên gia trên khắp thế giới và chính bản thân họ, học hỏi cách thức thực hiện những thay đổi đó. Tôi rất mong được trở lại trong 2 năm nữa, để chứng kiến những thay đổi đó được thực thi ra sao, giúp cho trẻ em có cơ hội được đóng góp ý kiến riêng trên cơ sở bình đẳng và hình thành sự học hỏi riêng của mình.”

Về những biến chuyển mà bà được chứng kiến trong lần trở lại Việt Nam này, bà Barbara Piscitelli cho biết bà nhận thấy có rất nhiều điểm thay đổi tốt đẹp. Trẻ em lành mạnh hơn, sĩ số lớp học được giảm xuống, từ 50 đến 70 nay còn chừng từ 30 đến 40 em ở các lớp mẫu giáo. Theo bà, nhận thức về nhu cầu của cá nhân nhiều hơn là nhu cầu tập thể, các giáo viên đối xử với trẻ em một cách trân trọng hơn. 3 trường đại học sư phạm lớn đang thay đổi cách thức truyền bá các chương trình lý thuyết và thực hành cho trẻ em, dành cho giáo viên nhiều quyền tự quyết định hơn.

Bà Barbara Piscitelli cho biết trong chuyến đi này bà không có dịp đi thăm các vùng nông thôn, nhưng qua những chuyến đi trước, bà đã nhận thấy sự cách biệt rất lớn giữa cơ hội giáo dục của trẻ em ở nông thôn và thành thị. Những em nhỏ ở nhà quê gần như không bao giờ được chơi đùa vì phải phụ giúp vào công việc gia đình từ lúc còn bé tí và phải gánh vác những trách nhiệm thật là nặng nề ngay từ khi còn rất nhỏ. Giáo viên ở vùng nông thôn cũng không được đào tạo tốt như giáo viên ở thành thị. Nhiều trường học ở nông thôn còn thiếu cả sân chơi cho trẻ em, mà theo bà đây là một sự thiếu sót trầm trọng vì việc chơi đùa ở lứa tuổi trẻ thơ là rất cần thiết. Bà nói rằng nhiều tổ chức phi chính phủ đang cố gắng xây dựng các sân chơi cho trẻ em, nhưng nhu cầu rất lớn. Chính phủ cũng biết rất rõ vấn đề này, và Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF thường thẳng thắn nêu ra các vấn đề về phụ nữ và trẻ em trong các bản báo cáo thường lệ và Việt Nam đã bị khuyến cáo phải cải thiện trong 45 lãnh vực, trong đó có việc giáo dục cho trẻ thơ.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG