Đường dẫn truy cập

Việt Nam không thể gia nhập WTO vào tháng 12 năm nay


Giới hữu trách Việt nam từng hy vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12 năm nay tại hội nghị cấp bộ trưởng ở Hồng kông. Tuy nhiên hồi gần đây họ đã thừa nhận là không thể đạt được mục tiêu đó và tỏ ý hy vọng là có thể gia nhập trong năm 2006.

Việt nam hiện chưa hoàn tất các cuộc đàm phán song phương với một số quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, kể cả Hoa kỳ, Australia và New Zealand. Khác với tình trạng của những nước gia nhập tổ chức toàn cầu này vào những năm cuối thập niên 1990, Việt nam đang gặp phải những đòi hỏi khó khăn hơn, trong đó có việc phải nhanh chóng mở cửa thị trường cho các công ty ngoại quốc, cắt giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức của các thành viên hiện hữu, và chấm dứt những chương trình trợ cấp nông nghiệp hầu như ngay tức khắc. Vấn đề trợ giá nông sản đã gây bất mãn cho nhiều người ở Việt nam, trong đó có bà Phạm Chi Lan, một viên cố vấn kinh tế của chính phủ Hà Nội:

Cả Hoa kỳ lẫn Liên hiệp Âu châu và một số các quốc gia phát triển có những khoản trợ cấp rất lớn dành cho nông dân của họ, nhưng họ lại đòi hỏi những nước đang phát triển, như Việt nam, phải nhanh chóng mở cửa thị trường. Ở Việt nam, những khoản trợ cấp nông nghiệp không lớn lắm. Và vì thế, tôi cho rằng đây quả là một việc hết sức bất công.

Các giới chức Việt nam phụ trách việc đàm phán với Hoa kỳ mới đây đã tỏ ý than phiền về lập trường cứng rắn của Washington. Các nhà quan sát cho rằng điều này cũng dễ hiểu vì Hoa kỳ đã có những kinh nghiệm không mấy tốt đẹp với Trung quốc. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung quốc đã khuynh loát thị trường thế giới trong nhiều ngành, trong đó có ngành dệt may.

Các nước phát triển than phiền là Trung quốc đã không tuân hành những cam kết về việc mở cửa thị trường. Về việc này, ông Adam Sitkoff, giám đốc phòng thương mại Hoa kỳ ở Hà nội đã nói với phóng viên Kay Johnson của đài VOA như sau:

Quốc hội Mỹ không muốn có thêm một hiệp định về Tổ chức Thương mại Thế giới tương tự như hiệp định ký kết với Trung quốc. WTO là một câu lạc bộ và đây là một câu lạc bộ mỗi ngày một khó gia nhập hơn. Việt nam đã tự chọn lấy thời điểm xin gia nhập và họ biết rằng Trung quốc đã nâng cao bực thềm mà Việt nam cần bước qua để vào WTO. Trung quốc đã nâng cao bực thềm đó chứ không phải Hoa kỳ hay New Zealand.

Mặc dầu vậy, ông Sitkoff và một số chuyên gia thương mại cũng ghi nhận rằng Việt nam có một khoản xuất siêu khá lớn với Hoa kỳ và điều này cũng là một trong những nguyên do khiến Washington đòi hỏi nhiều hơn trong cuộc đàm phán với Hà nội. Hiện nay, Việt nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 5 tỉ đô la mỗi năm trong khi lượng xuất khẩu của Hoa kỳ sang Việt nam chỉ ở mức hơn 1 tỉ đô la.

Các nhà thương thuyết Việt nam cho rằng đòi Việt nam chịu trách nhiệm về những hành vi của Trung quốc là bất công. Tuy nhiên có phần chắc là họ sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là phải chấp nhận những điều kiện khó khăn hơn.

Một số các cơ quan từ thiện quốc tế, như tổ chức Oxfam của Anh, nói rằng các nước đang phát triển lệ thuộc nhiều vào nông nghiệp, như Việt nam, đang phải gánh chịu những thiệt thòi vì các đòi hỏi của Tổ chức Thương mại Thế giới đặt những nông dân nghèo khổ của họ vào một vị thế bất lợi.

Một chuyên gia về Việt nam, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng Hà nội quả là không có chọn lựa nào khác hơn.

Nếu bị bỏ rơi đàng sau, điều kiện mỗi lúc càng trở nên tệ hại hơn. Điều này cũng giống như việc tranh tài Thế vận hội. Việt nam nên tham gia trong đợt tranh tài năm nay vì đợi tới 4 năm sau thì sẽ có các đối thủ lợi hại hơn và khó đánh bại hơn. Càng đợi ở bên ngoài lâu chừng nào thì càng khó cạnh tranh chừng đó.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu không gia nhập WTO Việt nam sẽ không nắm bắt được lợi thế của việc chấm dứt chế độ hạn ngạch trong ngành dệt may, một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt nam. Ngoài ra, Việt nam cũng không được hưởng những lợi ích từ những thỏa thuận mà vòng đàm phán Doha rốt cuộc sẽ mang lại. Vòng đàm phán này nhắm đến mục tiêu là giúp cho các sản phẩm của các quốc gia đang phát triển được tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG