Đường dẫn truy cập

Nhật ký Ðặng Thùy Trâm


Thưa quý thính giả, 35 năm sau khi nằm xuống trên một chiến trường miền Nam Việt Nam, Đặng Thùy Trâm, một nữ bác sĩ trẻ tuổi thuộc lực lượng quân đội miền Bắc phục vụ tại bệnh xá Đức Phổ ở Quảng Ngãi, đã được dư luận biết đến rộng rãi sau khi thu hút được sự chú ý của giới truyền thông ở trong và ngoài nước.

Nhật ký của bác sĩ Thùy Trâm, gồm hai quyển được đánh máy lại thành một, đã trở thành sách bán rất chạy tại Việt Nam. Cho tới nay, hơn 350 ngàn cuốn đã được bán ra, và gia đình bác sĩ Thùy Trâm đang xem xét một số đề nghị để dịch ra nhiều ngôn ngữ cuốn nhật ký này. Mời quý vị cùng Hoài Hương theo dõi các chi tiết quanh Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, và câu chuyện gây nhiều xúc động này.

Tiến sĩ Reckner: “Khi trông thấy quyển nhật ký, bà quỵ xuống trong một cử chỉ gây xúc động sâu xa, rồi bà bật khóc, tiếng khóc xuất phát tự đáy trái tim, rồi bà ôm quyển nhật ký vào lòng”.

Thưa quý vị, Tiến sĩ James Reckner, giám đốc Viện Lưu Trữ các tư liệu về Việt Nam tại Đại Học Texas, kể lại cảnh ông đã chứng kiến trong buổi lễ ngày thứ Tư 5 tháng 10, khi bà Doãn Ngọc Trâm, 81 tuổi, lần đầu tiên được cầm quyển nhật ký của cô con gái đầu lòng trên tay.

Bà Ngọc Trâm: “Sau 35 năm mới cầm được quyển nhật ký thì cảm giác là không ngờ và không tin được, đến bây giờ, sau khi nhìn thấy được và cầm thấy được nó thì tôi mới tin là sự thực.”

Quyển nhật ký ghi lại những tâm tình riêng tư của một nữ bác sĩ cộng sản, đã được một kẻ cựu thù, một sĩ quan quân báo Mỹ, Fred Whitehurst, trân trọng gìn giữ trong suốt bấy nhiêu năm, sau khi một thông dịch viên thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông Nguyễn Trung Hiếu, có lẽ vì cảm động trước một tâm hồn đa cảm, đã yêu cầu Fred đừng đốt nó.

Ông Fred Whitehurst: “Tôi cảm thấy rất sớm là cần phải hoàn trả quyển nhật ký lại cho gia đình và đất nước của người viết, đây là một con người có những cảm xúc rất sâu đậm. Bao nhiêu năm nay, tôi tự hỏi nếu tôi viết một quyển sách, rồi làm một cuốn phim, hy vọng lợi tức do phim mang lại sẽ giúp tăng thêm giường bệnh tại các bệnh viện, để đền bù một phần nào những gì đã bị lấy mất.”

Người ngoài chỉ biết Thùy Trâm qua những dòng nhật ký như thế này:

“Đêm nay ngồi trực, ngọn đèn mờ trong căn nhà nhỏ, tiếng rên của người bệnh nhân làm mình buồn lạ lùng. Hơn bao giờ hết nỗi nhớ thương trào lên thiết tha cháy bỏng. Hỡi những người thân yêu, đêm nay có ai hiểu hết lòng mình hay không”

Nhà văn Trần Trung Đạo, trong một bài đăng trên trang web Talawas, viết như sau:

“Chị trải lòng mình trên trang giấy trong những phút riêng tư và cô đơn tột cùng như thế. Tương tự như nhận xét của anh cựu chiến binh Mỹ Robert Whitehurst, tôi nghĩ chị không viết để gởi lại cho đời sau, và cũng không cần ai thương hại, xót xa hay vinh danh mình.”

Đối với chị Kim Trâm, chủ biên quyển nhật ký, thì người chị cả Thùy Trâm đã để lại nhiều ấn tượng:

Cô Kim Trâm: “Chị Thùy Trâm thì khi đi tôi còn nhỏ, lúc ấy tôi mới có 10 tuổi, nhưng mà chị Thùy Trâm tôi là một người rất là dịu dàng, có lẽ là giống các cô con gái ngày xưa ấy, tức là dịu dàng và hay mơ mộng, thích thêu thùa rồi văn chương rồi ca nhạc... Nói chung là rất giàu nữ tính, cái đấy nó ảnh hưởng rất lớn đến chị em chúng tôi. Chị Thùy Trâm chúng tôi chủ yếu là để lại cho chúng tôi những ký ức êm đềm và mơ mộng, trong tôi là như thế.”

Chị Kim Trâm kể lại cảm xúc của chị khi lần đầu được đọc nhật ký, và vì sao theo chị, nhật ký Đặng Thùy Trâm đã gây đồng cảm nơi người đọc.

Cô Kim Trâm: “Bản thân tôi khi tôi đọc quyển nhật ký này thì tôi khóc rất nhiều và tôi không đọc được hết một lần. Hầu như tất cả mọi người mà ai nói với tôi cũng đều nói ...ví dụ như là bạn bè gọi điện đến bảo hôm qua tôi đọc hết cuốn sách một mạch và khóc sưng cả mắt... Có lẽ là vì những cái điều mà chị Thùy Trâm chị viết trong nhật ký nó quá xúc động, nó thật, và nó chạm đến một cái gì đấy mà khiến cho người ta ai đọc cũng cảm thấy là xót xa, mà cái lớn nhất là cái xót xa trước một cái sự gian khổ và cái nỗi nhớ nhà, có lẽ hai cái đấy là cái làm người ta xúc động nhiều nhất.”

Có người đã mang Nhật Ký Đặng Thùy Trâm ra so sánh với nhật ký Anne Frank, cô thiếu nữ mới lớn trong thời Đức Quốc Xã. Tiến Sĩ Reckner, giám đốc Trung Tâm Tư Liệu Việt Nam của Texas Tech University, nói ông không mấy thoải mái với lời so sánh đó:

Tiến sĩ Reckner: “Tôi không mấy thoải mái với việc so sánh nhật ký của Thùy Trâm với nhật ký của Anne Frank. Anne Frank là một nạn nhân vô tội, một cô bé phải trốn Đức Quốc Xã và chính sách diệt chủng người Do Thái. Thùy Trâm tình nguyện vào Nam và do đó trở thành một chiến binh trong cuộc chiến, dù là một bác sĩ, nhưng cái chết của Thùy Trâm xảy ra trong một cuộc đụng độ chính đáng.

Giải thích hiện tượng Thùy Trâm trong giới trẻ ở Việt Nam, Tiến sĩ James Reckner, nhận định:

Tiến sĩ Reckner: “Khi đọc một tài liệu lịch sử, chúng ta thường mang bản thân ra so sánh với nhân vật trong truyện. Trong trường hợp này, nhiều phụ nữ trẻ ở Việt Nam bây giờ đọc về những thử thách và gian khổ của nữ bác sĩ trẻ Thùy Trâm, có thể tự hỏi mình, nếu ở trong vị thế của nhân vật chính, họ sẽ phản ứng như thế nào.”

Viết nhật ký trong thời kỳ Tổng Thống Nixon của Hoa Kỳ leo thang chiến dịch thả bom xuống miền Bắc, có đoạn tác giả đã nặng lời chỉ trích kẻ thù Mỹ. Ông Fred Whitehurst có đề cập đến vấn đề này:

Ông Fred Whitehurst: “Tôi biết Thùy Trâm đã phấn đấu nhiều và sau cùng đã trở thành một đảng viên Cộng Sản, nhưng nếu chúng ta gạt qua bên những cái nhãn dán lên người khác, chúng ta sẽ thấy rằng bên trong, chúng ta giống nhau biết là dường nào. Tôi không ngây thơ đến nỗi quên rằng, về một phương diện nào đó, chúng tôi là đối thủ của nhau, nhưng tôi cho rằng quyển nhật ký là một công trình nghệ thuật, tôi tin là người Mỹ sẽ đón nhận nó nồng nhiệt, như chính phủ và công chúng Việt Nam đã làm.”

Ông Whitehurst lưu ý rằng bên cạnh những lời chỉ trích Hoa Kỳ, người viết cũng tự chỉ trích, và chỉ trích một số thành phần trong đảng Cộng Sản.

Mặc dù vậy, nhiều giới chức trong hàng ngũ lãnh đạo tại Việt Nam đã đọc và đề cập đến nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhấn mạnh vai trò của một liệt sĩ đã hy sinh vì lý tưởng cộng sản, và coi đây là một tấm gương xả thân thế hệ trẻ lớn lên sau chiến tranh, nên noi theo.

Nhiều người ở Việt Nam đã lên tiếng về những cố gắng thần tượng hóa Đặng Thùy Trâm. Trong số những người lên tiếng, có nhà văn Bảo Ninh, như trích trong tờ Tuổi Trẻ mới đây:

Nhà văn Bảo Ninh: “Lần đầu tiên nhìn thấy cuốn nhật ký, tôi đã rất xúc động. Đó là một phần tuổi trẻ của tôi. Đó là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời tôi. Cái đẹp của sự xả thân. Cái sự xả thân của chị Trâm, anh Thạc hồi ấy sao mà đơn giản thế. Đừng vội gán cho chị Trâm những lý tưởng to tát như vì Đảng, vì dân, cũng đường cường điệu chị lên, đừng bắt chị phải vác cái huy hiệu anh hùng.” (Tuổi Trẻ, 7 tháng 8, 2005)

Ông Fred Whitehurst nói ông có thể hiểu được vì sao Đặng Thùy Trâm có thể trở thành một tấm gương cho giới trẻ:

Ông Fred Whitehurst: “Tôi có thể tưởng tượng những người trẻ tuổi đi tìm những anh hùng để ngưỡng mộ, chúng ta lúc nào cũng thiếu những anh hùng có thực trên thế giới này, những người đeo đuổi tới cùng điều mình tin tưởng. Thùy Trâm có thể được coi như một anh thư của Việt Nam.”

Đây là nhận định của Tiến sĩ Reckner về vấn đề này:

“Rõ rệt chính phủ Việt Nam muốn vận dụng câu chuyện theo hướng có lợi cho họ, nhưng sự thực là, bất cứ ai đọc quyển nhật ký, và không để ý đến những lời hoa mỹ thêu dệt quanh nó, thì sẽ thấy thực chất đây là một câu chuyện về một phụ nữ trẻ và những gian khổ mà cô đã trải nghiệm. Tôi tin rằng bất cứ ai sống ở Việt Nam ngày nay, hoặc bất cứ ai đã có những liên hệ với Việt Nam trong nhiều thập niên qua, cũng nhận thức được sự hiện diện của các cố gắng tìm cách thần tượng hóa nhân vật trong nhật ký theo khuôn mẫu Cộng Sản.”

Tiến sĩ Reckner nói quyển nhật ký đã gây ấn tượng vì sức mạnh hàm chứa trong những lời văn giản dị, nhưng theo ông, còn một phương diện khác của câu truyện đã cuốn hút đọc giả, đó là cuộc hành trình của gia đình bà Ngọc Trâm đoàn tụ với quyển nhật ký, và nỗi đau đớn của một bà mẹ mà bất cứ ai cũng có thể cảm thông.

Tiến sĩ Reckner: “Nếu quý vị có thể tưởng tượng những xúc cảm của một người mẹ, tôi chẳng cần biết là Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hòa, người Mỹ hay bất cứ người nào khác, một bà mẹ đã mất đứa con gái, để rồi 30 năm sau, phát hiện một quyển nhật ký ghi lại những gì con gái mình đã nghĩ trong hai năm cuối cùng của cuộc đời... Hãy tưởng tượng những xúc động mạnh ấy, đó mới chính là câu truyện, chứ không phải những lời tuyên truyền mà bất cứ ai muốn đặt lên trên câu truyện đó.”

Chúng tôi xin dành nhận định cuối cùng cho gia đình của tác giả quyển nhật ký:

Cô Kim Trâm: “Tôi nghĩ là nếu chị tôi còn sống, thì chắc là không bao giờ có cái chuyện nhật ký này đến được mắt một người khác, đầu tiên khi mà nhận được cuốn nhật ký thì nhiều người đề nghị mẹ tôi đồng ý để cho xuất bản, mà người mà thuyết phục mẹ tôi nhiều nhất có thể nói chính là hai anh em Whitehurst. Đầu tiên thì mẹ tôi không đồng ý bởi vì mẹ tôi nghĩ những ý nghĩ thầm kín của chị ấy không thể nào mang ra phơi bày cho tất cả mọi người đọc được... Bản thân tôi, tôi cũng thấy là những ý nghĩ thầm kín của chị ấy nhiều khi rất là riêng tư, nếu mà đưa ra cho mọi người đọc thì không biết nó có làm tổn thương đến chị ấy hay không, nhưng mà khi tôi đọc kỹ thì tôi thấy đó cũng là những ý nghĩ rất thật của con người, mà những cái đấy nếu mọi người được đọc đến thì chắc sẽ hiểu hơn về người nữ bác sĩ sống trong chiến tranh nó như thế nào, một người có thể nói là một trí thức trẻ từ Hà Nội sống trong một cái khung cảnh chiến trường như thế nào...Nếu mọi người hiểu được như thế thì cũng là một cái gì đấy tốt mà chị Thùy Trâm chị ấy làm được cho thế hệ sau chăng. Chính vì thế mà gia đình cũng nghĩ thôi cũng được, xuất bản ra thì ...tôi nghĩ là chị ấy cũng vui lòng.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG