Đường dẫn truy cập

Tương lai của ngành gia công phần mềm Việt Nam


Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đang gặp khó khăn khi cung cấp các phần mềm điện toán cho công ty Âu Mỹ. Dịch vụ này tại Việt Nam thường gọi là gia công phần mềm. Theo lời ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ Tịch công ty TMA tại thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn của Ấn Độ là một cơ hội tốt cho các công ty gia công phần mềm của Việt Nam. Mời quý vị nghe các phát biểu của ông Nguyễn Hữu Lệ.

Năm ngoái, các công ty gia công phần mềm điện toán (Business Process Outsourcing –BPO) của Ấn Độ thu về 2 tỉ đôla, chiếm 2 phần 3 thu nhập trong ngành gia công phần mềm của cả thế giới.

Sở dĩ Ấn Độ đạt được mức này là nhờ chính phủ họ có phương hướng đầu tư đứng đắn, nhắm vào các dịch vụ công nghệ cao, thay vì nhắm vào những công việc lao động sản xuất tay chân. Có thể ví khu Bangalore của Ấn Độ bây giờ như là khu Silicon Valley của miền Bắc California vào đầu thập niên 1990.

Các công ty Âu Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là các công ty Mỹ, sau khi đưa những công việc tay chân (blue collar) ra nước ngoài; trong những năm qua đã từ từ đưa những công việc lao động trí óc (white collar) ra nước ngoài. Họ có cái lý của họ: tại sao phải thuê một lập trình viên tại Mỹ với mức lương từ 60 - 80 ngàn đôla một năm, trong khi ta có thể thuê một lập trình viên tại Ấn Độ vơi giá chỉ bằng 1 phần 3 hoặc tư. Trong kỷ nguyên của Internet, Instant Messenger, điện thoại di động, G-mail, PDA, vệ tinh viễn thông… một phần mềm được biên soạn tại Ấn Độ có thể cài đặt và chạy một cách thoải mái nơi một công ty tại California.

Ấn Độ là nước hưởng lợi nhiều nhất qua dịch vụ gia công này, vì đã có “công trường” Bangalore, đội ngũ lập trình viên trẻ tuổi, và nhất là họ nói tiếng Anh giỏi, có lẽ vì nước này là cựu thuộc địa của Anh.

Theo dự báo, đến năm 2007, các công ty Âu Mỹ và Nhật Bản sẽ phải chi 27 tỉ đôla để gia công phần mềm trên khắp thế giới. Và cũng theo dự báo, Ấn Độ sẽ bị “bội thực”, không thể đáp ứng được nhu cầu, giỏi lắm là chỉ thu hoạch được phân nửa số này, thay vì 2 phần 3 giống như bây giờ.
Ấn Độ huấn luyện không đủ tay nghề để kịp đáp ứng số cầu. Nhiều sinh viên chưa ra trường đã có công ty đến gạ mướn. Có công ty còn mướn cả sinh viên tốt nghiệp mới 2 năm cao đẳng, thay vì 4 năm đại học. Lập trình viên có kinh nghiệm nhảy hãng như đi chợ, vì hãng mới trả lương gấp đôi hãng cũ. Các công ty Âu Mỹ và Nhật Bản đang cần gia công cũng nhìn thấy vấn đề này, bắt đầu âu lo, và đang tìm những nơi khác.

Tình trạng bội thực của Ấn Độ sẽ có lợi cho những nước như Việt Nam, đó là theo lời của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ Tịch của TMA Solutions, công ty có mấy trăm lập trình viên tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên về gia công phần mềm . Ông Lệ nói rằng, ngoài trở ngại về tiếng Anh, trình độ của các lập trình viên trể tuổi của Việt Nam không thua bất kỳ nước nào.

- Trời phú cho dân Việt Nam trí tuệ rất tốt. Các lập trình viên Việt Nam hiện nay có tay nghề cao, chẳng những có thể tham gia các chương trình gia công bình thường, mà còn có thể tham gia các chương trình nghiên cứu và triển khai (R & D), đòi hỏi mức độ trí tuệ cao hơn bình thường. Các chương trình giáo dục về công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay rất tốt, nhất là những em tốt nghiệp tại các đại học có uy tín, như bách khoa hoặc khoa học tự nhiên.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, một người gốc miền Trung và bây giờ là một Việt Kiều ở Úc, nói rằng hiện thời, các công ty gia công phần mềm ở Việt Nam rất cần sự tiếp tay của Việt Kiều trên thế giới để có thể chớp lấy thời cơ bị Ấn Độ bỏ lỡ:

- Các chuyên gia người Việt ở nước ngoài có thể hợp tác với các công ty gia công phần mềm lớn nhỏ ở Việt Nam qua những kinh nghiệm về tiếp thị, giao tiếp, và tổ chức. Họ có thể giúp các công ty Việt Nam nắm bắt được những mối hàng, đặc biệt là những mối hàng đang lo âu về thị trường Ấn Độ.

Ông cũng nhìn nhận rằng muốn thu hút Việt Kiều, chính phủ Việt Nam cần có những chính sách thông thoáng hơn.

- Hôm 20 tháng 8 đã có một cuộc hội thảo để tìm cách thu hút chuyên gia Việt Kiều trong ngành công nghệ thông tin. Tôi chưa rõ kết quả, nhưng theo tin báo chí, không khí trao đổi rất cởi mở. Các chuyên gia Việt Kiều đã đưa ra những mong muốn rất cụ thể, ví dụ như vấn đề visa,ngay cả vấn đề định cư ở Việt Nam lâu dài. Tôi tin rằng chính phủ Việt Nam càng ngày càng tạo điều kiện thuận tiện để chuyên gia người Việt ở nước ngoài có dịp san sẻ những kinh nghiệm cho các công ty tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ trao đổi với đài VOA trong lúc ông đang đi Ireland để tìm thêm thị trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG