Đường dẫn truy cập

Tiến trình hòa bình Aceh


Thứ tư vừa qua, chính phủ Indonesia đã bắt đầu trả tự do cho hàng trăm phiến quân thuộc Phong trào Aceh Tự do trong khuôn khổ của thỏa hiệp hòa bình ký kết hồi tháng trước ở thủ đô Helsinki của Phần lan. Nhiều nhà quan sát tình hình Á châu cho rằng tiến trình hòa bình Aceh đang diễn ra tốt đẹp và có khả năng khơi mào cho cuộc vận động hòa giải với các khu vực khác của Indonesia, đặc biệt là ở tỉnh Papua, phần đất mà Indonesia đã chính thức sát nhập năm 1969 bất chấp sự chống đối của cư dân địa phương. Một số chi tiết về việc này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây:

Hàng trăm phiến quân thuộc Phong trào Aceh Tự do đã được thả ra khỏi các nhà tù ở Indonesia hôm thứ tư vừa qua trong một diễn tiến được nhiều người xem là bước đầu của tiến trình hòa bình ở phần đất được cả thế giới biết đến sau khi bị trận sóng thần Nam Á tàn phá một cách khủng khiếp hồi cuối năm ngoái. Các tù nhân Aceh đã được phóng thích sau khi tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono ký lệnh ân xá vô điều kiện hồi tối thứ ba theo khuôn khổ của hòa ước mà chính phủ Jakarta và các đại diện của Phong trào Aceh Tự do ký kết hôm 15 tháng 8 tại Helsinki, kết thúc cuộc xung đột kéo dài gần 29 năm.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tín viên Nancy-Amelia Collins của đài VOA ở Jakarta, phát ngôn viên Bahtiar Abdullah của Phong trào Aceh Tự do nói rằng việc phóng thích này cho thấy là chính phủ Indonesia đang tuân thủ hòa ước Helsinki, trong đó có quy định là tất cả tù nhân chính trị phải được trả tự do trong vòng 15 ngày sau khi hòa ước được ký kết.

Đây là bước đầu của một tiến trình rộng lớn hơn nhằm xây dựng niềm tin giữa đôi bên. Qua việc trả tự do cho những tù nhân này, chính phủ Indonesia đã khởi sự thực thi một phần lớn của tiến trình hòa bình này.

Các giới chức Indonesia cho biết 74 tù nhân đã được thả ra khỏi nhà tù Bangdung ở mạn đông nam Jakarta hồi sáng thứ tư và 169 người được phóng thích từ thành phố Surabaya trên đảo Java và được chở bằng phi cơ về Aceh. Lệnh ân xá này áp dụng cho 1,424 tù nhân, trong đó có cả 4 thành viên cao cấp nhất ở quốc nội của Phong trào Aceh Tự do. Bốn người vừa kể đã bị bắt giam về tội mưu phản hồi năm 2003 trong lúc họ chuẩn bị đáp máy bay đi Tokyo để tìm cách cứu vãn thỏa hiệp hòa bình ký kết tháng 12 năm 2002 và rốt cuộc đã bị đổ vỡ. Một nhân vật tranh đấu nổi tiếng khác là ông Muhamad Nazar cũng được thả hôm thứ tư. Oâng Nazar từng điều hành Trung tâm Thông tin về Trưng cầu dân ý Aceh và bị tuyên án 5 năm tù hồi tháng 7 năm 2003 về tội âm mưu chia cắt đất nước.

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ký lệnh ân xá vô điều kiện cho phiến quân Aceh mặc dù trước đó một số thành viên quốc hội đã yêu cầu chính phủ đặt điều kiện tiên quyết cho các tù nhân là phải tuyên thệ trung thành với nước Cộng hòa Thống nhất Indonesia. Một ủy ban pháp lý của Hạ viện hồi tuần trước nói rằng việc tuyên thệ như thế là cần thiết để bảo đảm là những người được ân xá đã từ bỏ ước vọng mưu tìm độc lập cho tỉnh Aceh.

Tuy nhiên, phó tổng thống Jusuf Kalla đã chính thức bác bỏ yêu cầu vừa kể và nói rằng việc tuyên thệ không bảo đảm là các thành viên của Phong trào Aceh Tự do sẽ trở thành những công dân trung thành của Indonesia. Theo lời vị phó tổng thống và cũng là người giữ chức chủ tịch đảng Golkar này: ‘điều quan trọng hơn cả vào lúc này là Phong trào Aceh Tự do tuân thủ luật pháp quốc gia chứ không phải chỉ đưa ra những lời tuyên thệ trung thành với đất nước Indonesia.’ Ông Jusuf nói thêm rằng có rất nhiều công chức đã tuyên thệ không tham nhũng trước khi đảm nhiệm chức vụ, nhưng đa số những người đó đã không hề ngần ngại vi phạm lời thề một khi họ có được cơ hội để tham nhũng.

Ông Daniel Sparingga, một nhà phân tích chính trị thuộc Viện Đại học Airlangga ở Jakarta, nói rằng việc phóng thích tù nhân đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình hòa bình Aceh. Ông Sparingga cho biết tiếp như sau:

Tôi nghĩ rằng chính phủ đang tìm cách giữ cho mọi việc diễn tiến theo đúng lịch trình đã định. Họ tin rằng họ cần chứng tỏ quyết tâm tuân thủ những quy định của hòa ước Helsinki vì đây là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu hòa bình.

Hòa ước Helsinki đã được ký kết tại Phần lan sau những cuộc thương thuyết kéo dài 6 tháng và hầu hết là diễn ra trong vòng bí mật, dưới sự điều giải của tổng thống nước này là ông Martti Ahtisaari. Phong trào Aceh Tự do đồng ý từ bỏ cuộc tranh đấu đòi độc lập và giao nộp vũ khí cho nhà chức trách vào ngày 15 tháng 9. Để đổi lại, chính phủ ở Jakarta đồng ý để cho tỉnh Aceh được tự trị đáng kể, và sẽ triệt thoái các lực lượng an ninh của chính quyền trung ương ra khỏi Aceh trước cuối năm nay. Một phái bộ – gồm nhân viên của Liên hiệp Aâu châu và 5 nước trong khối Asean là Brunei, Malaysia, Philipin, Singapore và Thái lan - đã được bố trí để theo dõi việc thực thi hòa ước này.

Các nỗ lực trước đây nhằm chấm dứt cuộc xung đột giết chết hơn 12 ngàn người ở Aceh đã gặp thất bại. Tuy nhiên, trận động đất gây tử vong cho hơn 160 ngàn người ở Aceh hồi tháng 12 năm ngoái đã trở thành một chất xúc tác giúp cho đôi bên đạt được hòa ước Helsinki. Một nhà phân tích của tờ The Jakarta Post, ông Jusuf Wanandi cho rằng thảm họa sóng thần cho thấy rằng mọi người dân Indonesia quan tâm tới người dân ở Aceh, và dân chúng ở tỉnh này có lẽ cũng nhận ra rằng họ cần tới sự giúp đỡ của toàn thể Indonesia trong công cuộc phục hồi và tái thiết sau sóng thần. Theo nhận xét của ông Wanandi, nguồn tiếp tế của phiến quân Aceh cũng bị tác động nghiêm trọng bởi sóng thần và điều này có lẽ đã khiến cho các nhà lãnh đạo phong trào đòi độc lập sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được một giải pháp chính trị.

Ông Jusuf Wanandi cho rằng hòa ước Helsinki chẳng những đã mở ra một kỷ nguyên mới để dân chúng ở Aceh có được hòa bình và phát triển mà còn đánh dấu một giai đoạn mới của hòa giải tại các khu vực khác ở Indonesia, đặc biệt là ở tỉnh Papua – nơi mà một cuộc chiến tranh du kích đòi độc lập vẫn tiếp diễn sau khi phần đất cựu thuộc địa Hà Lan này bị Indonesia cưỡng bách sáp nhập vào năm 1969.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG