Đường dẫn truy cập

Kỹ sư Trần Quốc Sĩ và một vài cảm nghĩ về tình hình đất nước Việt Nam


Anh Trần Quốc Sĩ, tốt nghiệp cử nhân kỹ sư điện toán và cao học điện toán tại đại học Maryland. Anh vượt biển sang Australia năm 1979 và định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1984. Hiện nay anh làm cố vấn quản trị cho công ty điện toán Hewlett-Packard của Hoa Kỳ. Anh Trần Quốc Sĩ đã nhiều lần điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ và các cơ quan bảo vệ nhân quyền để kêu gọi tự do dân chủ và tôn giáo cho Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày 30 tháng tư năm nay, anh Trần Quốc Sĩ đã nói lên một vài cảm nghĩ của anh về tình hình đất nước trong 1 cuộc phỏng vấn do Nguyễn Lê thực hiện:

VOA: So với những người đã rời Việt Nam do hậu quả của biến cố 30 tháng tư năm 75, anh vẫn thuộc vào lớp trẻ. Anh có cái nhìn chung như thế nào về đất nước từ đó anh đã ra đi 26 năm trước?

Nước Việt Nam sau 30 năm vẫn còn rất nghèo nàn so với các quốc gia láng giềng. Điều ấy chính những người Cộng sản cũng không có thể chối cãi được. Tôi muốn nhân dịp ngày 30 tháng tư năm nay để nhận xét về sự lớn mạnh và tư duy của thế hệ trẻ tại hải ngoại sau 30 năm tỵ nạn.

Hiện nay có hơn 2 triệu người Việt sống xa quê hương vì họ muốn có tự do và tương lai sáng sủa cho con cái, trong đó có cả trăm ngàn thanh thiếu niên đang theo học tại các trường đại học tiên tiến nhất của thế giới, hoặc đang làm việc tại các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục cao tại các quốc gia. Theo tôi, trong cái họa nó có cái may. Khi các em bước xuống tàu vượt biển thì các em đã tạo cơ hội và điều kiện phát huy tiềm năng của mình. Giờ đây các thanh thiếu niên ấy đã trở thành vốn trí thức vô giá của đất nước. Họ đã có dịp tiếp cận với nền văn minh, khoa học và kỹ thuật tiên tiến nhất của tây phương, đem lại một cơ hội hiếm có để áp dụng và phát triển tiềm năng cho Việt Nam sau này. Không phải chính quyền Việt Nam không nhận thấy được điều đó, vì vậy họ đã có những nỗ lực kêu gọi giới trẻ về đầu tư hoặc xây dựng đất nước. Chính quyền Việt Nam đã có tổ chức các cuộc du lịch, mở trường dạy tiếng Việt, khuyến khích đầu tư, v.v. Tuy nhiên cho đến bây giờ thì chiến dịch này không đem đến kết quả như họ mong muốn.

VOA: Theo anh thì vì sao giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài chưa tích cực đáp ứng lời mời gọi đó?

Tôi cũng đặt câu hỏi: Không biết có phải họ không có tinh thần kinh doanh hay không? Hoặc là họ không yêu nước. Nhưng mà trước khi trả lời câu hỏi đó thì chúng ta hãy thử nhận diện thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại, và tìm hiểu những động lực nào đã thúc đẩy hoặc ngăn chận họ.

Theo tôi, thế hệ trẻ ở hải ngoại có thể chia ra làm nhiều thế hệ. Thế hệ thứ nhất là thế hệ sinh ra ở thập niên 1960 tới 1970, thì bây giờ họ cũng đã 30- 40 tuổi. Thế hệ này thì chúng ta tạm gọi là thế hệ 1 rưỡi vậy. Thế hệ này là 1 thành phần còn nhiều liên hệ với Việt Nam nhất. Họ là thành phần mà chính quyền Việt Nam muốn lôi kéo nhất. Tuy nhiên thành phần này cũng đã sống ở Việt Nam sau năm 75 và biết một chút ít về chính quyền và chế độ cộng sản. Riêng tôi, tôi còn nhớ đến các cuộc tiếp thu tài sản, các lần đổi tiền, rồi các chiến dịch lùa dân về kinh tế mới.

Theo tôi, cái hào quang giả tạo của cuộc sống chạy đua hiện nay ở Sài Gòn hoặc là Hà nội, hoặc những tỉnh lớn ở Việt Nam, và những người ăn trên ngồi trước và những người có đặc quyền ở Việt Nam không thu hút được cái thế hệ của tôi, vì họ không muốn kinh doanh tại Việt Nam vì đạo luật không rõ ràng, họ sợ bị mất tất cả. Còn thành phần trí thức chuyên gia thì họ càng nhớ nguyên nhân ra đi của họ. Vì vậy, khi họ muốn về giúp nước thì cũng chỉ vì lý tưởng chứ không phải về để làm giàu. Và vì cái lý tưởng đó, nên theo tôi, họ chỉ về khi đất nước được thật sự tự do dân chủ, để họ có thể trực tiếp giúp đỡ người dân, thay vì giúp củng cố cho chính quyền.

VOA: Nhưng người ta cũng không thể phủ nhận những thay đổi rất to lớn đã diễn ra từ khi chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới. Những thay đổi này có sẽ làm cho thế hệ trẻ ở nước ngoài sốt sắng trở về góp phần xây dựng đất nước hay không?

Chúng ta không thể nào bỏ qua được vấn đề thay đổi về nền kinh tế. Nền kinh tế có thay đổi thật. Nhưng theo tôi, muốn vận dụng được tài năng và đóng góp của giới trẻ tại hải ngoại, chính quyền Việt Nam không thể không thay đổi về tự do và dân chủ. Tại vì theo tôi, lớp trẻ hiện bây giờ đã có tiếp cận với các việc làm ở nước ngoài thì nhu cầu thay đổi này, tôi nghĩ, càng ngày càng cấp bách hơn. Khi chúng ta có phong trào toàn cầu hóa--globalization--hiện bây giờ nó đang lan dần đến Việt Nam. Tuy chúng ta thấy có thay đổi về kinh tế đó, nhưng chúng ta cũng phải nhận thấy là phong trào toàn cầu hóa cũng như là một con dao 2 lưỡi. Globalization sẽ làm cho người giàu càng ngày càng giàu hơn, trong lúc người nghèo càng ngày càng bị bóc lột. Việt Nam xuất cảng hơn 4 tỷ rưỡi Mỹ kim hàng may mặc, trong lúc lương hàng tháng của công nhân chưa đến 100 đôla. Thì chúng ta tự hỏi: Khi công đoàn là một bộ phận của ban quản trị, thì ai sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất, người làm công hay là người chủ hãng?

VOA: Nhưng cũng có luận điểm khá thuyết phục cho rằng cách hay nhất để giúp ngăn ngừa nguy cơ như anh vừa nói, là những người trẻ tuổi hãy về nước để đem kiến thức và khả năng chuyên môn của mình góp phần làm cho tình hình đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Anh nghĩ sao về quan điểm đó?

Theo chúng tôi thấy, khi các bạn trẻ ở thế hệ sinh từ thập niên 70 đến 80--phần đông thế hệ này đã hội nhập vào đời sống nơi mình ở, và đối với thế hệ này, chính quyền Việt Nam cho dù có muốn lôi kéo cũng khó mà lôi kéo được. Thành phần này lớn lên và quen với xã hội tự do, quen với cách sống trong một xã hội tự do, họ không thể chịu được chính sách độc tài, tình trạng thiếu tự do ngôn luận và thông tin và tham nhũng tại Việt Nam được. Cha mẹ của họ cũng sẽ không thúc đẩy họ về Việt Nam, vì thứ nhất là sợ bị chính quyền lợi dụng, thứ nhì là cũng sợ bị bắt bớ, phiền phức. Cả 2 thế hệ trẻ sau 30 năm tỵ nạn chúng tôi nhìn thấy được vấn đề đó. Thành ra chúng tôi cũng rất là lo lắng. Chúng tôi e rằng tệ trạng tham nhũng sẽ tăng thêm nếu Việt Nam được gia nhập vào WTO. Vì cái lòng lo lắng đó mà chúng tôi không thể về Việt Nam để làm việc với chính quyền được.

Cái mỉa mai ở đây là 30 năm sau ngày 30 tháng tư, chúng tôi, những người trẻ lớn lên ở ngoại quốc, nhìn thấy cái mỉa mai là: Đảng Cộng sản đã được xây dựng trên tư tưởng đấu tranh giai cấp, nhưng mà ngày nay chính họ lại tạo ra một sự cách biệt giữa giai cấp-giai cấp đặc quyền và giai cấp bị lợi dụng. Nếu Việt Nam không có dân chủ, tự do, và luân lý đạo đức trong sáng, thì cho dù người dân cộng thêm cả trăm ngàn thanh thiếu niên trẻ tại hải ngoại về giúp đi nữa Việt Nam cũng chỉ có thể trở thành công cụ hoặc là thị trường béo bở cho các cường quốc mà thôi.

VOA: Xin cám ơn anh Trần Quốc Sĩ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG