Đường dẫn truy cập

Cuộc họp hàng năm của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản


Đầu tuần này một cuộc họp hàng năm của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, một tổ chức hoạt động tích cực cho nhân quyền tại Việt Nam, đã diễn ra trong vùng phụ cận thủ đô Washington để thảo luận về những diễn tiến mới đây nhất tại Việt Nam, trong đó có việc chính quyền trả tự do cho một số tù nhân chính trị. Nhiều tham dự viên xem đây là một tin vui cho những ai quan tâm đến vấn đề tự do dân chủ, tuy nhiên cũng có người cho rằng việc trả tự do cho một số ít tù nhân lương tâm đã không phản ảnh tình trạng cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Một số chi tiết trong cuộc họp này đã được Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ghi nhận như sau:

Theo lời Ban tổ chức thì đây chỉ là một cuộc họp mặt thường lệ trong dịp đầu năm của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản để kiểm điểm các hoạt động của tổ chức trong thời gian qua và đề ra những việc làm trong thời gian tới trong mục tiêu vận động cho nhân quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên đề tài thảo luận trong cuộc họp này đã được tập trung vào vấn đề một số các nhà tranh đấu cho dân chủ vừa được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do, trong đó có Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Linh mục Nguyễn Văn Lý và Thượng Tọa Thích Thiện Minh.

Mặc dù giới hữu trách Việt Nam nói rằng việc trả tự do cho các tù nhân là do chính sách khoan hồng của Nhà Nước và một phần cũng là do sự học tập tốt của các đương sự nhưng bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, với tư cách là Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, đã bác bỏ lập luận này:

Thứ nhất, họ thả tù không phải vì lý do nhân đạo mà là vì những áp lực của đồng bào ở trong nước cũng như ngoài nước và áp lực của cộng đồng quốc tế. Đăïc biệt là bây giờ Việt Nam đang có thể bị đặt trong tình trạng cần phải chú ý đặc biệt vì lý do đàn áp tôn giáo, và Tổng Thống Bush đã ra một thời hạn là 90 ngày cho Việt Nam cải thiện nhân quyền, nếu không sẽ bị các biện pháp trừng phạt. Cái hạn 90 ngày sắp đến đó là ngày một5 tháng 3 tới đây. Đó là cái lý do chính để nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trả tự do cho một số ít các tù nhân chính trị.

Theo lời bác sĩ Nguyễn Quốc Quân thì ngoài lý do chính vừa kể còn có những nguyên nhân khác. Trước đây các nước viện trợ cho Việt Nam đã không đặt nặng vấn đề nhân quyền nhưng bây giờ thì các nước có nhiều viện trợ và giao thương với Việt Nam như Nhật bản, Hoa Kỳ, và các nước trong cộng đồng châu Âu đều đặt vấn đề nhân quyền như là một điều kiện tiên quyết cho viện trợ và giao thương. Ngoài ra, qua việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, Hà Nội muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Cũng theo lời bác sĩ Nguyễn Quốc Quân thì việc trả tự do cho một số ít tù nhân chính trị đã không thật sự phản ảnh việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam:

Chúng tôi nhận thấy rằng việc thả một số ít tù nhân đã không phản ảnh sự cải thiện tình trạng nhân quyền thật sự, và chúng tôi yêu cầu Tổng Thống Bush tiếp tục thi hành những biện pháp trừng phạt nếu như Việt Nam không có những cải thiện cụ thể về nhân quyền trong những ngày sắp tới.

Trong số các quan khách tham dự cuộc họp đầu năm của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, người ta nhận thấy có bà cựu Dân Biểu Leslie Byrne, một khuôn mặt rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Bang Viginia, và cũng là tác giả của một Nghị Quyết về Nhân Quyền, được Quốc Hội Liên Bang thông qua vào năm 1994, để sau đó trở thành một Đạo Luật quy định ngày mộtmột tháng 5 hàng năm là Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam:

Trong năm 1994, khi chúng tôi khởi sự Nghị Quyết về Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam. Chúng tôi đã làm như vậy vì chính quyền Cộng Sản đã quay lưng lại với chính nhân dân của họ, và giam giữ người dân vì những lý do khác nhau. Và điều quan trọng mà chúng tôi phải nhớ là từ năm 1994, tuy chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong vấn đề bác sĩ Quế nhưng nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác vẫn còn bị giam giữ, vẫn còn bị chính quyền của họ đối xử khắc nghiệt. Vì vậy công cuộc tranh đấu cho nhân quyền của chúng tôi vẫn được tiếp tục để đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải đối xử với người dân của họ bằng sự công bằng và tôn trọng nhân phẩm. Trong mục tiêu đó chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với quí vị cho đến khi hoàn tất nhiệm vụ.

Hiện diện trong cuộc họp này còn có ông Erik Giblin, đại diện cho Trung Tâm Robert F Kennedy Memorial Center for Human Rights, một tổ chức đã nổ lực vận động cho việc trả tự do cho các nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông Giblin nói rằng thật là một vinh hạnh cho tổ chức của ông đã được làm người bạn đồng hành với bác sĩ Quế và các tổ chức khác đang mưu tìm các quyền tự do tại Việt Nam, trong đó có quyền phát biểu ý kiến. Ông nói tiếp:

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với bác sĩ Quế và cộng đồng để bảo đảm rằng một ngày nào đó ước mơ của bác sĩ Quế về một Việt Nam tự do có thể trở thành hiện thực, trong đó tất cả mọi người dân đều có cơ hội nói lên quan điểm của mình một cách tự do.

Trong khi đó ông Jared Genser, Chủ Tịch nhóm Freedom Now có trụ sở tại Washington, một tổ chức đã tích cực vận động với Liên Hiệp Quốc cho việc trả tự do cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Linh Mục Nguyễn Văn Lý nói rằng việc trả tự do cho các tù nhân chính trị là kết quả của những nỗ lực của nhiều người đang tranh đấu cho các mục tiêu tự do dân chủ và là điều đáng mừng, tuy nhiên cũng theo ông thì đây mới chỉ là bước đầu:

Hôm nay, thật ra chỉ là một sự bắt đầu chứ không phải là kết thúc. Việc Linh Mục Lý và bác sĩ Quế được trả tự do, tuy được hoan nghênh bởi những người trên khắp thế giới quan tâm đến vấn đề dân chủ và nhân quyền, những đó chỉ là đoạn cuối của một chương để bắt đầu một chương khác, và áp lực phải được tiếp tục duy trì đối với chính phủ Hà Nội cho đến khi nào tất cả 80 triệu người Việt Nam có thể được hưởng tự do như những người dân tại Hoa Kỳ hiện nay.

Còn nữ luật sư Berenice Celeyta từ Colombia, người đã được trao giải nhân quyền của tổ chức Robert F Kennedy Human Rights năm 1998, hiện đang viếng thăm Hoa Kỳ trong chuyến du hành để thuyết trình về công lý và nhân quyền tại Colombia thì nói rằng mỗi khi bà và những người từ các nước khác có thể tiến hành công cuộc vận động cho công lý trên thế giới cũng như có thể cùng nhau làm việc cho mục tiêu chung này thì đó là vì tinh thần liên đới giữa con người với nhau, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc:

Colombia và Việt Nam là 2 nước khác nhau, tuy nhiên khi chúng ta làm việc chung với nhau, chúng ta sẽ có thể cùng nhau thực hiện và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và công bằng hơn. Tất cả chúng ta đang chung sức mưu tìm công lý. Tôi xin cám ơn tất cả những cá nhân và các tổ chức đang tranh đấu cho nhân quyền để một ngày nào đó chúng ta sẽ có được công lý cho tất cả mọi người.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người đã từng bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ trong nhiều năm cùng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế vì đã tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ. nhận định rằng việc trả tự do cho các nhân vật đối kháng là điều đáng mừng tuy nhiên trên thực tế điều này không giúp ích bao nhiêu cho những thay đổi tại Việt Nam:

Thực ra việc trả tự do cho quí vị đối kháng đã xảy ra nhiều lần và tình hình Việt Nam vẫn chưa thay đổi. Do đó thực sự ra chúng tôi nghĩ rằng giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh của chúng ta cần phải đòi hỏi một điều khác. Đó là không phải chỉ tôn trọng nhân quyền, hay nói một cách khác để tôn trọng nhân quyền thì phải có dân chủ. Do đó sự đòi hỏi của chúng ta hiện nay trong giai đoạn tới phải là đòi hỏi dân chủ hóa Việt Nam. Cho đến khi nào Việt Nam có dân chủ thì nhân quyền mới thật sự được tôn trọng.

Phát biểu của giáo sư Đoàn Viết Hoạt và các quan khách trước đó cũng là quan điểm chung của hầu hết các đại diện của cộng đồng người Việt trong vùng thủ đô Washington, và các Tiểu Bang Virginia và Mary land, theo đó công cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam phải được tiếp tục cho đến khi nào tất cả các tù nhân lương tâm được trả tự do, và những quyền cơ bản của con người được thật sự tôn trọng, trong đó có quyền tự do ngôn luận và quyền được lựa chọn những người thực sự đại diện dân để điều hành việc nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG