Đường dẫn truy cập

Nhận định của một số chuyên gia về triển vọng gia nhập WTO của Việt Nam


Trong gần 10 năm qua, Việt Nam đã mở nhiều cuộc thương thuyết với các nước thành viên trong Tổ Chức Thương Mại Thế Giới với hy vọng có thể trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này vào cuối năm 2004 hoặc đầu năm 2005. Tuy nhiên cho đến nay mục tiêu đó vẩn còn xa vời. Sau đây là nhận định của một số chuyên gia về nguyên nhân của sự chậm trễ này và triển vọng gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Việt Nam, qua các chi tiết do Trần Nam ghi nhận từ các nguồn tin tại Hoa Kỳ và Việt Nam:

Theo các nhà phân tích thì mặc dù Việt Nam tiếp tục đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, từ 6 đến 7% mỗi năm và tình trạng xã hội tương đối ổn định, tuy nhiên có một vài yếu tố khiến cho những tiến bộ này khó có thể kéo dài nếu Việt Nam không tiến hành những biện pháp cải cách kịp thời.

Mặc dù người ta thấy rằng đường lối kinh tế thị trường của Việt Nam cũng giống như của Trung Quốc, nhưng mức thu nhập của Việt Nam vẫn còn thua xa nước láng giềng phương Bắc, và hố sâu cách biệt này càng ngày càng rộng. Ngoài ra so với các nước trong khu vực có mức độ phát triển tương tự, như Thái Lan chẳng hạn, thì thành tích của Việt Nam trong lãnh vực kinh tế vẫn còn kém. Thêm vào đó các điều kiện cạnh trạnh ở nước ngoài trong thời gian tới có thể sẽ không còn thuận lợi cho Việt Nam như trong mấy năm qua khi Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng trên thị trường toàn cầu về gạo, cà phê, thủy sản và hàng dệt may.

Để duy trì mức độ tăng trưởng hiện nay, Việt Nam cần phải thực hiện những cải cách cần thiết ở trong nước. Đó là nhận định của nhà báo Phillip Bowring trong bài viết mới đây trên tờ The Herald Tribune. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là phải làm thế nào để thực hiện những thay đổi đó mà không phải trả một cái giá quá đắt đối với nước Cộng sản này.

Một trong những thay đổi quan trọng mà Việt Nam cần phải thực hiện để theo kịp đà tiến của các nước trong khu vực, như Trung Quốc chẳng hạn, là gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, trong đó tất cả các thành viên của tổ chức quốc tế này phải mở rộng thị trường cho các đối tác thương mại và cho phép tư nhân tham gia vào mọi hoạt động kinh tế.

Mặc dù trước đây Việt Nam hy vọng rằng tiến trình gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới sẽ có thể kết thúc vào cuối năm 2004 hoặc đầu năm 2005, nhưng các nhà phân tích cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại phải vượt qua trên con đường tiến đến mục tiêu này.

Hiện nay có đến 25 nước, trong đó có một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới, đang sắp hàng chờ đợi xin gia nhập tổ chức này

Ngoài việc phải tuân theo tất cả các luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, các quốc gia ứng viên còn phải thực hiện nhiều cải cách trong nước để đáp ứng những đòi hỏi của các thành viên trong tổ chức quốc tế này qua những cuộc đàm phán song phương để đổi lấy sự ủng hộ của họ đối với đơn xin gia nhập của ứng viên.

Nếu không được sự ủng hộ đó, nhất là các thành viên quan trọng, thì việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của các ứng viên sẽ khó mà thành tựu. Một trong những nhượng bộ quan trọng mà các thành viên có thể yêu cầu là các nước ứng viên phải nhanh chóng mở cửa thị trường nội địa cho các nhà đầu tư quốc tế trong các lãnh vực dịch vụ và chế tạo, đồng thời phải bãi bỏ hàng rào quan thuế đánh trên các mặt hàng nhập khẩu.

Hiện nay Việt Nam đang tiến vào giai đoạn chót của tiến trình vận động này sau gần 10 năm nỗ lực đàm phán với các nước hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Lo ngại chính của Việt Nam hiện nay là việc chấm dứt hạn ngạch hàng dệt may vào năm tới. Nếu không sớm trở thành hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng bấp bênh, và việc đứng ngoài tổ chức quốc tế này cũng sẽ khiến cho các nhà đầu tư ngoại quốc không dám đầu tư thêm vào các ngành xuất khẩu khác.

Một khi trở thành hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới thì uy tín kinh tế của Việt Nam có thể sẽ gia tăng, do đó sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ của thế giới, đồng thời dễ dàng thu hút thêm nhiều đầu tư của nước ngoài, nhất là Đài Loan, Nam Triều Tiên và Nhật bản.

Tuy nhiên song song với những thuận lợi đó là những khó khăn. Khó khăn trước nhất là tiến trình gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới có thể sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa kinh tế nhiều hơn và nhanh hơn, và sự kiện này có thể gây nguy hại cho các nhà sản xuất trong nước cũng như cho sách lược phát triển rộng rãi hơn trên toàn quốc của chính phủ.

Nông nghiệp là lảnh vực rất quan trọng tại Việt Nam, một nước mà 2/3 dân số khoảng 80 triệu là những người sống ở nông thôn. Trong tiến trình thương thuyết hiện nay, một vài nước như Australia và Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam phải mở rộng thị trường để họ nhập khẩu một vài loại sản phẩm như đường và bắp. Nếu như các nông phẩm với giá rẻ từ các nước công nghiệp hóa được tự do nhập khẩu vào Việt Nam theo các tiêu chuẩn của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới thì hàng triệu nông dân nghèo của Việt Nam đang trồng các hoa màu tương tự sẽ phải lâm vào tình trạng nghèo đói thêm.

Một số sự kiện này đã được nhận thấy trong thời gian qua. Hiệp Định Thương Mại Song Phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, được phê chuẩn vào năm 2001, đã đòi hỏi Việt Nam phải cam kết thực hiện nhiều chính sách, trong đó có các luật lệ xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường cho các dịch vụ và sản phẩm của Hoa Kỳ, đồng thời thực hiện những thay đổi liên quan đến vấn đề bảo vệ tác quyền trí tuệ và đầu tư.

Những điều khoản mà Việt Nam đồng ý với Hoa Kỳ trong Hiệp Định thương Mại Song Phương có thể sẽ trở thành nền tảng cho những cuộc thương lượng với các thành viên khác của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có thể sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn đối với tất cả các thành viên hiện nay của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới để đổi lấy sự ủng hộ của họ.

Việt Nam đã có một hiệp ước song phương với Liên Hiệp Châu Âu, tuy nhiên Hoa Kỳ và các nước khác, có thể là cả Trung quốc, dường như sẽ đưa ra những điều kiện khó khăn hơn và đòi hỏi Việt Nam phải nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc thương thuyết để họ có thể chen chân vào Việt Nam, một nền kinh tế vẫn còn nhỏ và nghèo.

Việt Nam cũng còn có những lo ngại hợp lý khác, chẳng hạn như thay đổi kinh tế quá nhanh mà không điều chỉnh sự minh bạch kịp thời thì có thể sẽ đưa đến tình trạng bong bóng đầu tư và lạm phát như đã từng thấy trong giửa thập niên 1990, khiến cho xã hội trở nên bất ổn. Sự lạc quan về Tổ Chức Thương Mại Thế Giới có thể đưa đến tình trạng bộc phát kinh tế mạnh hơn khiến cho những cải cách trong lãnh vực tài chính trở nên khó khăn hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của một tờ báo trong nước, ông Trần Quốc Khánh, Cục Trưởng Cục Chính Sách Thương Mại Đa Phương thuộc Bộ Thương Mại Việt Nam nói rằng trong năm 2004 Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán đa phương, tuy nhiên ông không nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trước cuối năm 2005 vì điều này không hoàn toàn tùy thuộc vào Việt Nam. Cũng theo lời giới chức này thì những cuộc thương thuyết sẽ trở nên gay go hơn trong giai đoạn cuối cùng tức là thời gian thường xuất hiện những vấn đề gai góc nhất và cần phải giải quyết.

Theo các nhà phân tích thì dù có những lo ngại như vậy nhưng Việt Nam vẫn cương quyết theo đuổi việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vì tổ chức quốc tế này có những luật lệ bảo vệ các hội viên chống lại những vụ trừng phạt mậu dịch. Trong thời gian qua, mặc dù có Hiệp Định Thương Mại Song Phương nhưng Việt Nam cũng đã bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt về vấn đề cá Da Trơn và Tôm trên thị trường Mỹ. Việt Nam đặc biệt lo ngại rằng nếu không được các luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới bảo vệ, Hoa Kỳ và các quốc gia khác có thể sẽ lại kiện Việt Nam về các loại hàng xuất khẩu đang mang lại rất nhiều lợi lộc cho Việt Nam như giầy dép và hàng dệt may. Ngoài ra thành phần có chủ trương cải cách tại Việt Nam cũng hy vọng rằng một hiệp ước với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới với một số tiêu chuẩn quốc tế sẽ có thể mang lại những thay đổi tại Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG