Đường dẫn truy cập

Cắt chế độ xe công là ‘cú hích’ cải cách


Ước tính chi phí “nuôi” một chiếc ô tô công khoảng 300 triệu đồng/năm, chưa kể đội ngũ lái xe hùng hậu và hàng loạt các chi phí khác đi kèm.
Ước tính chi phí “nuôi” một chiếc ô tô công khoảng 300 triệu đồng/năm, chưa kể đội ngũ lái xe hùng hậu và hàng loạt các chi phí khác đi kèm.

Một số lãnh đạo Việt Nam sắp bị cắt chế độ xe công đưa đón mỗi ngày và chuyển sang hình thức khoán kinh phí, theo nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ công bố hôm 29/3.

Theo văn bản này, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 (tương đương với chức thứ trưởng) sẽ được khoán xe ô tô đưa đón từ nhà đến sở làm, thay vì được hưởng chế độ xe công mang biển số xanh, phục vụ riêng như trước. Một chuyên gia về Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, giải thích thêm về chế độ đãi ngộ quan chức này:

“Tiêu chuẩn là từ thứ trưởng trở lên, thí dụ như trong bộ máy công quyền, thì có chế độ xe đưa đón. Bao nhiêu thứ trưởng thì sẽ có chừng ấy xe. Rồi còn bộ trưởng và những chức vụ tương đương của các ban ngành khác. Rồi ở tỉnh, các lãnh đạo tỉnh như Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, bí thư… những chức danh đó đều có xe cả. Ngoài ra, xe công còn tràn lan đến mức độ rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước cũng có xe công, các đơn vị sự nghiệp, các viện nghiên cứu, các ban của Đảng, các hội, đoàn thể… đều có xe công. Cho nên lượng xe công là vô cùng lớn ở đất nước này”.

Cái ngân sách nó quá lớn rồi. Nợ công quá lớn rồi. Cho nên buộc chính phủ phải ra quyết định là khoán xe công như vậy.
TS. Phạm Quý Thọ.

TS. Phạm Quý Thọ cho biết vấn đề quản lý xe công đã được đem ra thảo luận từ lâu, thậm chí từ những năm 1980, nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng quy chế quản lý, sử dụng xe công sao cho đến năm 2020 phải giảm từ 30% - 50% lượng xe công ở các bộ, ngành, địa phương.

Đầu tháng này, Hà Nội đã bắt đầu thí điểm khoán kinh phí xe công cho lãnh đạo. Mức khoán được công bố là không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng.

TS. Thọ ước tính chi phí hiện nay để “nuôi” một chiếc ô tô công tốn khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải “nuôi theo biên chế” một đội ngũ lái xe hùng hậu và chi trả hàng loạt các chi phí khác đi kèm với lượng xe công khổng lồ.

“Cái ngân sách nó quá lớn rồi. Nợ công quá lớn rồi. Cho nên buộc chính phủ phải ra quyết định là khoán xe công như vậy. Người ta ước tính khi khoán được xe công, sẽ tiết kiệm chi được hàng nghìn tỷ đồng”.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án khoán kinh phí đi lại cho các lãnh đạo. Thứ nhất, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập của công chức với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Phương án hai là khoán theo đơn giá dựa trên khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến sở làm hay khoảng cách đi công tác, với mức giá 16.000 đồng/km. Các mức khoán sẽ được điều chỉnh khi chỉ số CPI biến động trên 20%.

Nó là một việc rất khó mà từ lâu nay anh không làm được, bởi vì nó đụng chạm đến quyền lợi của các lãnh đạo. Thế mà nếu anh làm được việc này thì người ta sẽ thấy rằng đó là một cú hích rất mạnh về cải cách thể chế.
TS. Phạm Quý Thọ.

Từ cuối năm ngoái, Bộ Tài chính đã bắt đầu áp dụng chế độ khoán xe ô tô cho lãnh đạo của bộ. Tuy nhiên, để có thể áp dụng rộng rãi chế độ mới cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, theo TS. Phạm Quý Thọ, có lẽ sẽ cần thêm một thời gian nữa.

“Thậm chí người ta thăm dò xem sự chống đối tới đâu, vì cái này nó đụng chạm đến lợi ích của các lãnh đạo nên sẽ rất khó. Nó vừa là việc buộc phải làm, vì chính phủ đã rất khó khăn về mặt ngân sách, luôn luôn bội chi kéo dài trong nhiều năm rồi, nhưng đồng thời đó cũng là một xu hướng nếu anh không cải cách như thế này thì có lẽ rất nhiều thứ khác cũng không thể làm được”.

Chuyên gia về chính sách công của Việt Nam nhận định rằng ngoài ích lợi về mặt tài chính, cắt giảm xe công còn có ý nghĩa lớn hơn trong nỗ lực cải cách thế chế. Ông nói: “Nó là một việc rất khó mà từ lâu nay anh không làm được, bởi vì nó đụng chạm đến quyền lợi của các lãnh đạo. Thế mà nếu anh làm được việc này thì người ta sẽ thấy rằng đó là một cú hích rất mạnh về cải cách thể chế”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi ngân sách là 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bội chi 192,2 nghìn tỷ đồng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG