Đường dẫn truy cập

Trung Quốc có thể triển khai chiến đấu cơ ở Biển Đông bất cứ lúc nào


Hình ảnh vệ tinh của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc viện nghiên cứu CSIS cho thấy thứ được nói là súng chống máy bay và hệ thống vũ khí của Trung Quốc trên Đá Subi ở Biển Đông
Hình ảnh vệ tinh của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc viện nghiên cứu CSIS cho thấy thứ được nói là súng chống máy bay và hệ thống vũ khí của Trung Quốc trên Đá Subi ở Biển Đông

Trung Quốc hầu như đã hoàn tất công trình xây cất cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho phép Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự khác đến những nơi nay vào bất cứ lúc nào, Reuters dẫn lời các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết hôm 27/3.

Ảnh vệ tinh do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS phổ biến trong tháng này cho thấy công trình xây dựng của Bắc Kinh trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn hầu như đã hoàn tất. Giám đốc AMTI, ông Greg Poling cảnh báo "việc triển khai quân sự của Trung Quốc chỉ trong tương lai gần".

Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu giáo sư Đại học Luật ở Havard, nhận định về hoạt động mới của Trung Quốc tại Trường Sa:

“Nếu có làm gì thêm thì cũng giống như là đã làm trong quá khứ. Ông Tập Cận Bình đã hứa là không làm, nhưng lại cứ làm, đó là củng cố thêm ở Trường Sa”.

Trung Quốc luôn bác bỏ những chỉ trích của Hoa Kỳ và quốc tế rằng nước này đang “quân sự hóa” Biển Đông. Tuy nhiên vào tuần rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói những thiết bị mà Bắc Kinh đặt tại các đảo nằm trong khu vực tranh chấp chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền “tự do hàng hải”.

Tại cuộc họp báo hôm 28/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà chưa được biết về báo cáo của AMTI, nhưng bà nói “Đối với Trung Quốc, triển khai hay không triển khai các phương tiện phòng vệ cần thiết trên lãnh thổ của mình là một vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.

Về phía Hoa Kỳ, người phát ngôn Ngũ Giác Đài, Trung Tá Gary Ross, cũng từ chối bình luận với Reuters về báo cáo của AMTI với lý do đây không thuộc chức năng của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Tá Ross nói “việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở Biển Đông là một trong nhiều bằng chứng cho thấy họ tiếp tục hành động đơn phương, làm tăng căng thẳng trong khu vực và cản trở tiến trình giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.

Giáo sư Tạ Văn Tài nhận xét những phản ứng của Mỹ ở Biển Đông từ trước tới nay là khá “yếu ớt”. Cựu giáo sư Đại học Luật của Mỹ dẫn chứng: “Khi đi hành quân tự do hàng hải vòng quanh mấy đá ngầm mà Trung Quốc xây lên đó, mà lại đi ngoài 12 hải lý, tức là Mỹ phản ứng yếu ngay từ thời Obama. Đó là không đi sát vào 500, là [khu vực] có quyền đi bởi vì vùng quanh các đảo nhân tạo là hải dương quốc tế”.

Vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự kiến sẽ bàn thảo các thỏa thuận với Trung Quốc, Giáo sư Tạ Văn Tài nói: " Tôi hy vọng ông Trump là người có khuynh hướng quyết liệt trong mọi chuyện ông làm. Trong chính sách ngoại giao, nếu ông ấy quyết liệt, cùng với những lời đã nói của Ngoại trưởng Tillerson thì là điều nên làm, phải cứng rắn trên Biển Đông".

Trước đó trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ để được chuẩn thuận chức vụ ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã tỏ thái độ phẫn nộ về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói Trung Quốc lẽ ra không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây trong vùng biển tranh chấp. Nhưng trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông trong tháng này, Ngoại trưởng Tillerson đã dịu giọng hơn với Bắc Kinh. Hai bên đồng ý gác lại những vấn đề phức tạp.

Báo cáo của AMTI nói với 3 căn cứ không quân ở Trường Sa và một căn cứ không quân trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có khả năng hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu của AMTI cho rằng các thiết bị cảnh báo sớm và radar tân tiến thiết đặt trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Châu Viên cũng như trên đảo Phú Lâm sẽ mở rộng tầm hoạt động tương tự cho các thiết bị của Bắc Kinh.

Hơn một năm trước, Trung Quốc lắp đặt tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và có ít nhất một lần triển khai tên lửa hành trình chống tàu tại đây.

Việt Nam thường lên tiếng phản đối và tái khẳng định chủ quyền của mình trước những hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng theo GS. Tạ Văn Tài, những phản đối của Việt Nam từ trước tới nay vẫn ‘chưa đủ quyết liệt’.

Ông nói: “Phải bạo lên mới được, không được nhút nhát. Phải tuyên bố phản đối quyết liệt thì Mỹ mới có thể thấy Việt Nam là nước có lực lượng quân sự mạnh nhất trong các nước Đông Nam Á mà dám đứng lên phản đối thì Mỹ mới quyết liệt theo. Thường thường, các cường quốc ngại quyết liệt đương đầu với nhau vì có thể thành chiến tranh lớn, nó muốn các nước trung gian nói giùm cho nó. Việt Nam phải quyết liệt hơn mới được”.

Tháng trước, Reuters dẫn lời các giới chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng gần hai chục cấu trúc trên Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Dường như công trình được thiết kế để chứa tên lửa đất đối không tầm xa.

Bắc Kinh cũng đã xây dựng các kho chứa thiết bị phóng tên lửa tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, trong đó kho chứa trên Đá Chữ Thập đủ lớn để chứa 24 chiến đấu cơ và 3 máy bay lớn hơn, kể cả máy bay ném bom.

XS
SM
MD
LG