Đường dẫn truy cập

Mỹ nêu nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền của Việt Nam


Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry công bố phúc trình thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao 27/2/14 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thủ đô Washington
Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry công bố phúc trình thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao 27/2/14 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thủ đô Washington
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 27/2 công bố một phúc trình thường niên, tổng kết tình hình nhân quyền thế giới năm 2013, trong đó nêu ra nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền ở Việt Nam với các ví dụ cụ thể.

Trong bản báo cáo dài 46 trang, bản phúc trình nói rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia ‘độc đoán’, ‘độc đảng’ và lực lượng an ninh do nhà nước kiểm soát ‘đã gây ra các vi phạm nhân quyền’.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Việt Nam tiếp tục ‘giới hạn chặt chẽ quyền tự do chính trị của công dân, đặc biệt là quyền được thay đổi chính phủ; tăng cường các biện pháp giới hạn các quyền tự do dân sự của công dân và có tình trạng tham nhũng trong hệ thống tư pháp và công an’.

Phúc trình cũng nêu ra những trường hợp công an ‘đối xử sai trái’ với các nghi phạm bị giam giữ, trong đó có các vụ tử vong trong khi bị công an câu lưu.

Lần này, Bộ Ngoại giao Mỹ còn nêu đích danh một trường hợp mất tích mà cơ quan này cho rằng ‘có động cơ chính trị’. Đó là việc blogger Nguyễn Văn Dũng, hay còn gọi là Dũng Aduku bị mất tích từ ngày 21/8 và cho tới cuối năm 2013, vẫn chưa biết tung tích ở đâu và chính quyền cũng chưa chính thức lên tiếng về trường hợp này.

Hà Nội là một trong những cái tên được Ngoại trưởng Mỹ nêu lên trong phần phát biểu mở đầu buổi lễ công bố phúc trình nhân quyền thế giới.

Ông John Kerry nói rằng ông đã may mắn chứng kiến tận mắt ‘điều chúng ta có thể hoàn thành khi chúng ta thấy được sức mạnh của mình và sử dụng nó để gây ảnh hưởng, tiếp thêm sức mạnh cho người khác có thể thay đổi mọi thứ cho tốt đẹp hơn’. Ông nói:

“Các nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự mà tôi đã gặp ở nhiều nước mà tôi tới trong đó có Hà Nội đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Họ là những người đã đứng lên bảo vệ các quyền cơ bản của [con người] là được lên tiếng và tụ họp một cách tự do”.

Phần báo cáo tương đối dài về Việt Nam cũng nêu lên trường hợp của các blogger như Lê Anh Hùng, Nguyễn Hoàng Vi, Mẹ Nấm, Điếu Cày hay các tù nhân mà các tổ chức nhân quyền gọi là tù nhân lương tâm như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Đinh Đăng Định, Tạ Phong Tần và các nhà hoạt động như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Bắc Truyển.

Blogger Mẹ Nấm (tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) nói với VOA Việt Ngữ rằng bà hoan nghênh bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ:

“Tất cả những nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam nó sẽ không dừng lại ở trong phạm vi của Việt Nam mà nó đã đánh động được thế giới. Bằng cái nỗ lực nhỏ của mình và những anh chị em khác, tôi tin rằng mọi người sẽ cố đem sự thật, câu chuyện và bức tranh nhân quyền của Việt Nam đến với thế giới. Có lẽ không cần nói gì nhiều bởi vì mỗi ví dụ và mỗi sự cố xảy ra cho chúng tôi sẽ là một câu trả lời rõ ràng nhất. Chúng tôi hành động một cách ôn hòa vì quyền con người, và tôi cảm thấy vui vì ít nhất mình đã kể một phần sự thật ở Việt Nam cho những người khác ở bên ngoài Việt Nam biết”.

Tại buổi công bố phúc trình, trong phần hỏi đáp, Quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, bà Uzra Zeya, nói rằng phía Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam ở cấp cao nhất ‘tuân thủ các cam kết và các nghĩa vụ về nhân quyền quốc tế của nước này”.

Cũng như nhiều tuyên bố của các giới chức ngoại giao Mỹ trước đây, bà Zeya cũng nói rằng việc tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết sẽ có tác động tới việc Mỹ tiếp tục củng cố thêm nữa mối quan hệ song phương. Bà nói:

“Chúng tôi đã thể hiện các quan ngại sâu sắc về các trường hợp tù nhân chính trị như Lê Quốc Quân. Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên tất cả những vấn đề này. Chúng tôi rất quan ngại trước tin tức về vụ kết án 13 blogger công giáo hồi tháng 11 với các án tù từ 3 tới 13 năm tù giam. Giới hạn quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trên mạng; tống giam các nhà bất đồng chính kiến bằng cách sử dụng điều luật an ninh mơ hồ, hay hành hung các nhà hoạt động, mới nhất là vụ ông Nguyễn Bắc Truyển hôm thứ Hai vừa qua, là các mối quan ngại cơ bản của chúng tôi với Việt Nam”.

Bà Zeya cũng đề cập tới một sự kiện gần đây nhất, là việc một số các nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự ở Việt Nam không thể tới Geneva để tham dự các sự kiện bên lề phiên họp kiểm điểm nhân quyền của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa chính thức lên tiếng về bản phúc trình của Mỹ, nhưng Đài tiếng nói Việt Nam do nhà nước kiểm soát đã đăng tải một bản tin ngắn, nói rằng ‘báo cáo nhân quyền 2013 vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam, trong đó có những vấn đề mà phía Mỹ gọi là ‘tù nhân lương tâm’ và ‘hạn chế quyền tự do ngôn luận’’’.

Trong khi đó, blogger Mẹ Nấm cho biết bà sẵn sàng ‘đối thoại trực tiếp’ với bất kỳ ai nói rằng bản phúc trình là sai lệch.

VOA Express

XS
SM
MD
LG