Đường dẫn truy cập

Australia tìm cách cải thiện quan hệ với Indonesia sau vụ tai tiếng nghe lén


Thủ tướng Australia Tony Abbott cam kết cải thiện các mối quan hệ với Jakarta
Thủ tướng Australia Tony Abbott cam kết cải thiện các mối quan hệ với Jakarta
Quan hệ giữa Australia và Indonesia đã bị nguội lạnh trong vài tuần qua vì có những thông tin cho thấy gián điệp Australia đã nghe lén điện thoại của tổng thống và các quan chức cấp cao khác của Indonesia. Mặc dù vậy, những mối căng thẳng đã giảm bớt trong tuần này với một loạt những nỗ lực ngoại giao. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Phil Mercer tại Sydney, vụ xích mích này đã ảnh hưởng tới sự hợp tác về người tị nạn, thương mại, cùng với các chương trình hợp tác quân sự và những vấn đề khác.

Các văn kiện bị tiết lộ cho thấy Australia đã nghe lén Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, vợ ông và các bộ trưởng cao cấp. Vụ bê bối này khiến Jakarta đình chỉ những chương trình hợp tác song phương về quân sự và về những vấn đề khác, bao gồm những nỗ lực chống lại những băng đảng đưa lậu người đến Australia xin tị nạn.

Trong một lá thư gởi cho Tổng thống Yudhoyono, Thủ tướng Australia Tony Abbott cam kết ra sức cải thiện các mối quan hệ với Jakarta.

Thư của ông Abbott chưa được tiết lộ cho công chúng, nhưng nhà lãnh đạo Indonesia nói rằng đây là một nỗ lực nhằm giải quyết vụ xích mích về vấn đề nghe lén.

"Cam kết của Thủ tướng Australia là trong tương lai Australia sẽ không làm bất cứ điều gì mang lại thiệt hại hay gây phiền toái cho Indonesia."

Ông Yudhoyono cũng cho biết hai nước giờ đây sẽ hoàn thành một bộ qui tắc về đạo đức để bảo đảm là các mối quan hệ không bao giờ bị tổn hại với một cách thức như vậy nữa.

"Tôi sẽ phân công cho vị Bộ trưởng ngoại giao hoặc một vị đặc sứ để thảo luận thêm một cách nghiêm túc về những vấn đề nhạy cảm, bao gồm mối quan hệ song phương giữa Indonesia và Australia sau vụ nghe lén điện thoại. Đối với tôi, đây là một đòi hỏi và là một bước để tiến tới."

Hiện chưa rõ ông Abbott có đưa ra lời tạ lỗi cho người dân Indonesia hay không. Vị thủ tướng của Australia thoạt đầu đã không chịu giải thích vì sao Australia theo dõi điện thoại của các quan chức cao cấp của Indonesia. Điều đó đã tạo ra một phản ứng giận dữ ở Jakarta. Những cuộc biểu tình huyên náo đã diễn ra bên ngoài sứ quán Australia.

Thủ tướng Abbott đã hoan nghênh những nỗ lực của Indonesia để xoa dịu tình hình:

Điều mà Tổng thống Yudhoyono đề nghị là những vị đặc sứ được tin cậy sẽ gặp nhau trong vài ngày tới đây để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ. Tôi nghĩ rằng đây là cách tốt để tiến tới và tôi sẽ suy gẫm về phát biểu đó trong một, hai ngày nữa và sẽ có phúc đáp đầy đủ hơn.

Cho tới khi bộ qui tắc mới về đạo đức được hoàn tất, các chương trình hợp tác song phương về tình báo và về vấn đề buôn người sẽ tiếp tục bị đình chỉ.

Nhà lãnh đạo Australia bày tỏ hy vọng là vụ tranh cãi này sẽ chấm dứt trong nay mai:

"Hiển nhiên là tôi muốn vấn đề này được giải quyết càng nhanh càng tốt. Nhưng tôi muốn vấn đề được giải quyết trên một cơ sở vững chắc và lâu dài. Khoảng thời gian chừng một tuần vừa qua thật là căng thẳng. Có những vấn đề khó khăn trong tất cả các mối quan hệ."

Bất chấp những nỗ lực của Australia nhằm xoa dịu sự căng thẳng với nước láng giềng Hồi giáo khổng lồ ở phía bắc, người dân Australia tiếp tục lo ngại là vụ tai tiếng sẽ gây thiệt hại cho công cuộc mậu dịch.

Ông Brian Scott, Quyền Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà xuất khẩu gia súc của Lãnh thổ phía Bắc, cho rằng vụ tranh cãi này gây lo lắng cho công nghiệp thị bò Australia. Ông nói:

"Sẽ là một việc rất ngây thơ nếu chúng ta nghĩ rằng các chính phủ của các nước không thu thập thông tin của nhau. Mặc dù vậy, công nghiệp của chúng tôi là đối tác quan trọng nhất với Indonesia, xét về hoạt động thương mại giữa hai nước. Chúng tôi hy vọng là tình hình này không tác động tới công cuộc mua bán của chúng tôi trong ngắn hạn."

Kim ngạch thương mại giữa hai đối tác Á châu Thái bình dương này ở vào khoảng 11 tỉ đô la mỗi năm.

Các nhà phân tích tin rằng vụ xích mích vì vấn đề nghe lén có thể phương hại tới các mối lãnh tụ thương mại.

Ông Tim Harcourt, giáo sư Khoa Thương mại của Đại học New South Wales, cho biết sự mất tin tưởng trong ngắn hạn rốt cuộc sẽ nhường chỗ cho sự hòa hợp về lâu về dài. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng Indonesia muốn có an ninh lương thực, muốn có dịch vụ tài chánh của chúng tôi, họ muốn công nghệ của chúng tôi, họ muốn tiếp cận với các cơ sở giáo dục của chúng tôi. Vì vậy trong dài hạn họ muốn có một mối quan hệ ổn định với Australia. Mặc dù vậy, vào lúc này họ sẽ dè dặt đôi chút và không muốn xúc tiến nhanh các thỏa thuận thương mại hay đầu tư song phương."

Vụ xích mích về vấn đề nghe lén là mối đe dọa lớn nhât cho quan hệ song phương kể từ khi Australia hậu thuẫn cho việc Đông Timor tách khỏi Indonesia để độc lập vào cuối thập niên 1990.

Các chuyên gia cho rằng hợp tác quân sự và những nỗ lực chung để giảm thiểu số người đi thuyền từ Indonesia đến Australia xin tị nạn có thể được thực hiện lại trong vòng một hay hai tháng nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG