Đường dẫn truy cập

Truyền thông Trung Quốc lên án Hoa Kỳ ‘nhúng mũi’ vào Biển Đông


Thành phố Tam Sa được thiết lập trên một hòn đảo mà Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố có chủ quyền
Thành phố Tam Sa được thiết lập trên một hòn đảo mà Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố có chủ quyền

Tranh cãi ngoại giao giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tiếp tục bùng phát trong khi Việt Nam kiên quyết dập tắt các cuộc biểu tình phản đối chiến lược lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc tiếp tục lên án Hoa Kỳ ‘nhúng mũi’ vào chuyện Biển Đông. Ngày 6/8, tờ báo hàng đầu của đảng cộng sản Trung Quốc yêu cầu Mỹ ‘câm miệng’ đừng can thiệp vào căng thẳng ở vùng biển đầy tranh chấp này.

Trong bài bình luận tố cáo Hoa Kỳ ‘châm dầu vào lửa’tại khu vực Biển Đông, nhật báo Nhân Dân của Trung Quốc đề nghị phải có phản ứng mạnh trước các hành động của Hoa Kỳ mà họ miêu tả là ‘kích động chia rẽ’ trong tranh chấp giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông.

Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc ngày 6/8 cũng đăng bài tố giác Việt Nam và Philippines khiêu khích Bắc Kinh và cho rằng điều này có thể là do Mỹ tác động.

Bài báo khẳng định dù Trung Quốc chưa có kế hoạch tức thời giải quyết tranh chấp tại khu vực, nhưng Bắc Kinh sẽ không cho phép Hà Nội và Manila lợi dụng thế lực của Mỹ để tùy ý quyết định cân bằng ở Biển Đông.

Cuối tuần rồi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mạnh mẽ phản đối Hoa Kỳ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo chỉ trích việc Bắc Kinh thành lập khu cảnh bị Tam Sa ở Biển Đông ‘làm leo thang thêm căng thẳng trong khu vực’ và cho biết rằng Washington đang theo dõi chặt chẽ các diễn tiến xung quanh vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh nói các tuyên bố của Hoa Kỳ phá hoại những nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình-ổn định tại Biển Đông, đảo lộn phải trái, làm cho công luận bị lầm, và đưa ra một thông điệp sai lạc cần phải bị bác bỏ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/8 loan báo đã triệu tập Phó trưởng phái bộ ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh, ông Robert Wang, để trao đổi nghiêm túc về vấn đề.

Ngày 5/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Phó Doanh, nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh là kiên quyết nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông qua các cuộc thương lượng hữu nghị giữa các nước có liên quan trực tiếp, dựa trên chứng cứ lịch sử và luật quốc tế.

Về tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines, bà Phó Doanh nhấn mạnh Trung Quốc cam kết xử lý thỏa đáng vấn đề. Bà Phó Doanh cũng kêu gọi Hà Nội và Manila dừng để các khác biệt làm ảnh hưởng tới những lợi ích lớn hơn trong mối quan hệ song phương nói riêng và trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN nói chung.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng phát triển liên kết hàng hải trên Biển Đông với các nước Đông Nam Á vì, vẫn theo lời bà Phó Doanh, củng cố tình hữu nghị với các nước láng giềng và sự hợp tác đôi bên cùng có lợi với ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 5/8/2012
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 5/8/2012
Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm lấn Trường Sa-Hoàng Sa ở Biển Đông tiếp tục bị chính quyền trấn dẹp. Ngày 5/8, hàng chục người biểu tình ở Hà Nội bị bắt đưa về trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà.

Anh Lê Dũng là một người trong số này cho VOA Việt ngữ biết:

“Tôi là người ra sớm nhất, khoảng 8:30 sáng, nhưng ra được một chút họ đã cho người kéo và bắt lên xe buýt rồi. Tổng cộng khoảng 30 người bị bắt lên trên Lộc Hà suốt từ sáng tới 3 giờ chiều. Một số người khác bị họ chở về các phường. Tôi là người bị họ bắt lên xe buýt đầu tiên đưa lên Lộc Hà. Đến 3 giờ chiều, họ cử đại diện ra tuyên bố là chúng tôi vi phạm trật tự công cộng, họ phạt cảnh cáo, và bảo mở cổng cho chúng tôi tự giải tán. Nói xong, họ bỏ chạy, tức là công an Hoàn Kiếm đấy. Không có một văn bản nào cả. Chúng tôi yêu cầu có vài chữ của cơ quan chức năng, người nào đại diện Hoàn Kiếm ký tên vào đấy. Chúng tôi dứt điểm là không ra khỏi khu Lộc Hà. Nhưng chờ tận 6 giờ chiều họ vẫn trốn tịt, chẳng có đại diện nào ra làm việc với chúng tôi và cũng chả có văn bản nào cả. Họ cũng giữ một anh Việt Kiều Thụy Sĩ, tịch thu đồ đạc. Chúng tôi quyết định ở lại chờ tới khi nào anh ấy được ra thì chúng tôi mới về. Tới 6 giờ mới xong, chúng tôi tự lên xe buýt về, vì lãnh đạo công an quận Hoàn Kiếm trốn sạch cả.”

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch một lần nữa lên án hành động của chính quyền Việt Nam bắt giữ người biểu tình yêu nước là vi phạm các cam kết của Hà Nội với quốc tế về tôn trọng nhân quyền và quyền tự do chính trị của công dân.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch nhận xét rằng nhà nước cộng sản Việt Nam đang nhanh chóng tụt hậu ở khu vực Đông Nam Á về vấn đề nhân quyền. Ông Robertson nói:

“Câu hỏi lớn đang được đặt ra là các nhà cấp viện quốc tế tài trợ cho Việt Nam còn giữ im lặng bao lâu nữa trước tình trạng chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những người thực thi quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân chỉ trích các chính sách của nhà nước.”

Ngược lại, truyền thông nhà nước Việt Nam tố cáo những người biểu tình chống Trung Quốc bị các thế lực thù địch kích động nhằm gây rối trật tự công cộng.

Dù không trưng ra chứng cớ, nhưng Đài truyền hình Hà Nội ngày 5/8 đưa tin những người tham gia tuần hành chống Trung Quốc đã được một số đối tượng trả tiền công.


Những người tham gia biểu tình nói đây là một sự vu cáo đối với những người yêu nước. Anh Lê Dũng nhấn mạnh:

“Người ta dựng chuyện. Chúng tôi sẽ đến đài truyền hình Hà Nội yêu cầu họ đối thoại, yêu cầu họ đưa ra bằng chứng. Nếu đài truyền hình chưa có bằng chứng cụ thể, chưa có kết luận của cơ quan điều tra, thì phải xin lỗi chúng tôi. Thậm chí chúng tôi có thể khởi kiện đài truyền hình. Chúng tôi làm hoàn toàn dựa trên cơ sở của Hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi nhận thức được rằng những việc làm của chúng tôi không hề vi phạm pháp luật và đấy là quyền của chúng tôi được làm. Nhà cầm quyền có thể bắt bớ, đàn áp, khủng bố, thậm chí nếu họ can đảm, họ có thể mang súng ra bắn chúng tôi. Còn chúng tôi, quyền công dân của chúng tôi, chúng tôi cứ làm. Vì đất nước, vì nguy cơ xâm lược của giặc Trung Quốc với lãnh hải đất nước ở Biển Đông thì chúng tôi kể cả có chết cũng phải hành động theo tiếng gọi của trái tim. Chúng tôi không phụ thuộc vào việc hành xử của chính quyền Hà Nội. Nếu họ làm sai pháp luật, dư luận và lịch sử sẽ phán xét.”

Đây là cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ tư trong năm kể từ đầu tháng 7 tới nay. Các cuộc biểu tình tương tự hồi mùa hè năm ngoái phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã bị chính quyền Việt Nam trấn áp mạnh tay bằng võ lực.




VOA Express

XS
SM
MD
LG